Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo về kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng sẽ được cải thiện

ANTĐ - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013 đạt mức 5,2% và đạt 5,5% năm 2014, trong khi lạm phát lần lượt là 6,5% và 7,2%, đây là dự báo vừa được Ngân hàng phát triển châu Á công bố tại Báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế châu Á năm 2013 - 2014.

Chính sách tiền tệ góp phần đáng kể giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Đánh giá cao việc xử lý nợ xấu

Nhìn nhận về vấn đề tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, ông  Tomoyuki Kimura – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện từ những bước đi tích cực của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Tuy nhiên, xử lý nợ xấu chỉ có thể đạt được khi có sự hợp tác mạnh mẽ của liên bộ và được sự hỗ trợ từ những biện pháp cải cách chính sách và pháp luật”. 

Báo cáo của ADB chỉ rõ, tăng trưởng GDP trong giai đoạn tháng 6 tới tháng 9-2013 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,9% so với 6 tháng đầu năm nhờ cải thiện kết quả trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra tốc độ giải ngân ngân sách cũng tăng tốc trong những tháng cuối năm. 

Ông Dominic Mellor – Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết, ADB vẫn không thay đổi dự báo đối với triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam như đã đưa ra cách đây 6 tháng. Theo dự báo của ADB, tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam sẽ ở mức 5,2% và năm 2014 sẽ tăng nhẹ so với năm nay. 

Dự báo đối với lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2013 được ADB điều chỉnh từ mức 7,5% đưa ra hồi đầu năm xuống còn 6,5% (tương ứng với chỉ số CPI tăng 6%). Nguyên nhân do tình hình lạm phát giá lương thực giảm mạnh so với dự kiến. 

Chính sách tiền tệ tạo động lực

Bên cạnh đánh giá cao việc xử lý nợ xấu, ABD cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc tái cấu trúc thời gian qua. Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt các kế hoạch tái cơ cấu một số doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia ADB cho rằng trong năm 2014 sẽ cần phải đẩy nhanh quá trình này, bởi nếu không đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước thì nền kinh tế có thể phải đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài dưới mức 7- 8% như đã diễn ra trong giai đoạn 2002- 2007.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, ADB cho rằng, việc NHNN cắt giảm lãi suất chính sách tới 800 điểm cơ bản kể từ đầu năm 2012 đến nay, đồng thời giảm trần lãi suất cho vay với các khoản vay ngắn hạn bằng VND cho ngành nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số ngành ưu tiên khác đã góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Các giải pháp được thực hiện kể từ ngày 1-7-2013 gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; áp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với nhà ở xã hội; nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân cùng với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội được ADB đánh giá rất cao.