Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro

ANTĐ - Theo đánh giá của các chuyên gia, nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua gia tăng khá mạnh một phần là do chính các ngân hàng lách quy định trích lập dự phòng rủi ro bằng cách cho vay dưới các hình thức ủy thác đầu tư hay cho vay qua thẻ tín dụng… Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 02/2013 buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng tài chính trong năm nay. 

Đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp giúp ngân hàng lường trước những nguy cơ nợ xấu. (Ảnh minh họa)

Tiến tới chuẩn quốc tế

Với quy định mới, phạm vi điều chỉnh so với các văn bản pháp lý trước đó sẽ được mở rộng. Theo đó, đối tượng tài sản được xem xét trích lập dự phòng rủi ro không chỉ gồm các khoản cho vay đơn thuần như hiện nay, mà được xét đến bản chất tín dụng. Nhiều khoản nợ trước đây được coi là an toàn, như nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng, hoặc công ty con của tổ chức tín dụng, hoặc tiền vay được sử dụng để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác; nợ cấp cho công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; nợ đang thu hồi theo kết luận thanh tra… sẽ bị xếp vào nợ xấu nhóm 3. 

Còn các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2, nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, nhưng đã quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được... bị xếp vào nợ xấu nhóm 4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn, hoặc đã quá hạn… đều bị xếp vào nhóm nợ có nguy cơ mất vốn.

Đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VDSC) cho rằng, quy định mới này mang yếu tố tích cực, thể hiện quyết tâm của NHNN trong việc từng bước đưa các quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng của Việt Nam gần với tiêu chuẩn quốc tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia lĩnh vực ngân hàng chỉ ra rằng, các giao dịch vay mượn, đầu tư kể cả trái phiếu, tín phiếu đều có những rủi ro nên phải được trích lập dự phòng. Đây cũng là chuẩn mực mà quốc tế thường áp dụng. “Việc gia tăng trích lập dự phòng, báo cáo nợ xấu theo quy định mới có thể làm cho các ngân hàng bị giảm lợi nhuận khiến mục tiêu giảm lãi suất của NHNN khó thực hiện. Do đó NHNN cần lưu ý sử dụng các công cụ để ổn định thanh khoản, không cho các ngân hàng tăng lãi suất”, ông Hiếu chỉ rõ.

Xếp hạng khách hàng

Một trong những nội dung quan trọng tại quy định mới cũng được các chuyên gia đồng tình là việc NHNN yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ hoặc khi cần thiết để làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp. Đồng thời các ngân hàng phải cung cấp kết quả tự phân loại nợ cho trung tâm thông tin tín dụng. Sau đó trung tâm này sẽ tổng hợp và cung cấp lại cho các ngân hàng danh sách khách hàng thuộc nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất để điều chỉnh kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Các chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ giúp các ngân hàng đưa hoạt động của mình tiến dần đến chuẩn mực chung. Đã có nhiều bài học lớn dành cho các ngân hàng khi cho vay không có sự thẩm định chặt chẽ theo quy trình, quy chuẩn. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập các ngân hàng cũng cần phải nhanh chóng nắm bắt và thay đổi các quy trình của mình theo chuẩn mực quốc tế. Tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng như tăng cường minh bạch thông tin xếp hạng tín dụng trước mắt có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng nhưng về lâu dài đây chính là nền tảng vững chắc để các ngân hàng giảm nợ xấu. 

Về phía các ngân hàng, cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc về lộ trình áp dụng bên cạnh các ý kiến đồng tình và ủng hộ. Giám đốc một ngân hàng thương mại đặt vấn đề, với quy định mới các khoản nợ xấu phải trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể còn các doanh nghiệp dù mới được ngân hàng cơ cấu lại nợ sẽ lại bị rơi vào nhóm nợ xấu, không được cấp tín dụng. Vì vậy, NHNN cần có một lộ trình hợp lý khi áp dụng quy định mới để tránh tình trạng các ngân hàng khó tăng tín dụng còn doanh nghiệp thì khó vay được vốn.