Ngân hàng Nhà nước muốn các ngân hàng được thêm “ngoại lệ” khi áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị sửa đổi chính sách về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm đã đăng ký giao dịch bảo đảm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, để triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án để áp dụng thủ tục rút gọn gặp nhiều khó khăn, như việc thực hiện quy định về xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan). Khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý, nên việc xác nhận này rất khó thực hiện…

Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 42

Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 42

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ/ chủ tài sản/ bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không còn bảo đảm điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Nghị quyết 42.

Do đó, để tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm qua Tòa án thông qua thủ tục tố tụng rút gọn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết 42. Quy định này được bổ sung theo hướng có quy định loại trừ không áp dụng: quy định về trường hợp xuất hiện tình tiết mới trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn (khoản 3 Điều 317) và quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn (khoản 4 Điều 323) của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đối với các vụ án giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án.

NHNN cho biết, nếu loại trừ không áp dụng quy định này, Tòa án sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tăng cường tốc độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Do vậy, giảm chi phí xử lý nợ, tài sản bảo đảm.