Ngân hàng Nhà nước lý giải về các quyết định tăng lãi suất điều hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc tăng trần lãi suất huy động và các loại lãi suất điều hành là chủ đề được quan tâm nhất tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 23/9.

VND mất giá 4%

Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới…

Đến nay, đã có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (năm 2021 có 113 lượt tăng). Ngày 22/9, Fed đã tăng 0,75%/năm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát Mỹ rất cao (8,3%). Dự kiến đến cuối năm 2022, Fed sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023.

Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD như: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%).

Đồng tiền Việt Nam (VND) là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới ( khoảng gần 4%).

Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ; mặt bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, điều hành tỷ giá linh hoạt.

Trong đó, đối với điều hành lãi suất, NHNN đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ hôm nay, 23/9/2022.

Đồng thời, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.

Họp báo Ngân hàng Nhà nước

Họp báo Ngân hàng Nhà nước

Đối với điều hành tỷ giá, NHNN tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Không thể cùng lúc ổn định tỷ giá và lãi suất

Chia sẻ thêm về việc NHNN tăng các mức lãi suất điều hành từ ngày hôm nay, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu, doanh nghiệp FDI xuất siêu, do đó áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn.

Do đó, việc để đồng VN mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước, do đó, điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát.

Nhưng về nguyên lý, theo ông, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Chính vì thế khi Fed tăng nhanh, mạnh lãi suất với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 40 năm đã dẫn đến mặt bằng chung tỷ giá toàn cầu xáo trộn, buộc một loạt ngân hàng trung ương thế giới tăng lãi suất để đảm bảo tỷ giá đồng tiền của họ không mất giá quá lớn.

“Đối với Việt Nam, thời gian qua, chúng ta điều hành khá thành công, giữ được đồng tiền VN không quá mất giá. Nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Chúng ta định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền.

Do đó, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Phạm Chí Quang lý giải.

Về định hướng giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, ông Phạm Chí Quang cho biết, NHNN đã kiên định, liên tục nhiều lần báo cáo Chính phủ, Quốc hội để giải trình những khó khăn trong điều hành lãi suất.

Theo ông, thời điểm ban hành các Nghị quyết trên, điều kiện kinh tế toàn cầu và trong nước hoàn toàn khác bây giờ.

“Thời điểm đó, Fed tuyên bố lạm phát Mỹ chỉ là tạm thời. Đến nay, Fed đã thừa nhận điều đó là hoàn toàn sai lầm, lạm phát cao không phải là tạm thời mà có tính dai dẳng. Chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương thế giới cũng thay đổi rất nhiều. Thêm vào đó, căng thẳng Nga – Ukraine dẫn đến giá dầu tăng đã đổ thêm dầu vào lửa vào trào lưu tăng lạm phát” – ông nói

Cũng theo Quang, tại Nghị quyết 43 có nêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay chứ không khẳng định sẽ giảm được. Để phấn đấu, NHNN đã phối hợp nhiều công cụ chính sách tiền tệ, như hỗ trợ thanh khoản, chia sẻ áp lực đối với lãi suất, tỷ giá, đề nghị các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.

Hôm qua, NHNN đã ban hành 2 quyết định về việc tăng một loạt loại lãi suất cơ bản. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.

Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.