Ngân hàng Nhà nước hút bớt thanh khoản, “ông lớn” ngân hàng nhập cuộc đua lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Agribank, BIDV đã chính thức nhập cuộc tăng lãi suất huy động khi áp lực thanh khoản có xu hướng tăng lên, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái hút bớt tiền về.

Agribank mới đây đã công bố biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân từ tháng 7/2022. Theo đó, ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng – 24 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 5,6%/năm. Dù vậy, Agribank không thay đổi lãi suất ở các kỳ hạn còn lại với kỳ hạn 6 tháng – 11 tháng vẫn duy trì mức 4%/năm, kỳ hạn 3 tháng – 5 tháng là 3,4%/năm, kỳ hạn 1 tháng – 2 tháng là 3,1%/năm.

Trước đó, BIDV cũng đã “nổ phát súng” tăng lãi suất huy động đầu tiên trong big4 khi mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên 0,1% từ ngày 1/6, lên 5,6%/năm. Các kỳ hạn dưới 12 tháng cũng được BIDV giữ nguyên lãi suất.

Như vậy, sau 3 năm liên tục giảm và giữ nguyên ở vùng lãi suất thấp thì đây là lần đầu tiên, các ngân hàng có vốn nhà nước tăng lãi suất tiền gửi, dù trước cả năm trời các nhà băng tư nhân đã rục rịch tăng với mức tăng tương đối mạnh.

Việc big4 ngân hàng nhập cuộc tăng lãi suất diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có động thái khởi động lại kênh phát hành tín phiếu để hút tiền về sau 2 năm “án binh bất động”. Việc phát hành tín phiếu được bắt đầu vào ngày 21/6 Ngân hàng Nhà nước chính thức khởi động lại kênh này vào ngày 21/6 với khối lượng nhỏ (200 tỷ đồng) sau đó tăng dần lên các phiên sau và đặc biệt trong phiên 30/6, khối lượng tiền hút về lên tới gần 45.000 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung trong vòng 10 phiên vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành hơn 150.000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu. Trừ đi lượng tín phiếu đã đáo hạn, đến thời điểm này vẫn còn hơn 100.000 tỷ đồng tín phiếu đang lưu hành.

Lãi suất huy động tăng trên diện rộng khi thanh khoản thu hẹp phần nào
Lãi suất huy động tăng trên diện rộng khi thanh khoản thu hẹp phần nào

Không chỉ rút ròng tiền đồng qua kênh tín phiếu, một lượng USD đáng kể cũng đã được NHNN bán ra từ dự trữ ngoại hối, ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD trong những tháng gần đây, tương đương khoảng gần 240.000 tỷ đồng được thu về.

Trước động thái rút tiền của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất qua đêm đối với tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gần gấp đôi đối với kỳ hạn qua đêm so với thời điểm thấp nhất, cách đây khoảng 10 ngày. Dù vậy, lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức thấp (0,71% với kỳ hạn qua đêm vào ngày 30/6), do thanh khoản tiền đồng vẫn chưa thực sự căng thẳng trong bối cảnh các nhà băng chưa được nới room tín dụng.

Theo Chứng khoán SSI, động thái nhanh chóng hút tiền về của NHNN là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng giúp các ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền đồng. Trong thời gian qua, trần tăng trưởng tín dụng chưa được nới khiến thanh khoản tiền đồng thừa và đã đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp. Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD giảm xuống mức âm và khiến nhu cầu nắm giữ USD nhanh chóng tăng trong hệ thống.

''Việc hút bớt tiền đồng thông qua kênh tín phiếu sẽ phần nào thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất VND và USD và do vậy giảm bớt áp lực lên VND, giúp NHNN có dư địa điều hành trong trung hạn'', SSI đánh giá.

Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 1 – 1,5 điểm % trong cả năm 2022.

Việc tăng mạnh lãi suất huy động đã bắt đầu tác động lên chi phí vốn của các ngân hàng, tuy nhiên, chi phí huy động sẽ vẫn duy trì thấp hơn mức trước dịch nhờ tỷ lệ CASA cao. Một số ngân hàng có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các TCTD quốc tế cũng sẽ có lợi thế trong việc duy trì chi phí vốn thấp.

Về phía cơ quan quản lý, cùng với việc "bơm, hút" nhịp nhàng đối với cả tiền đồng và USD, thì NHNN khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.