Ngân hàng Nhà nước: Giám sát chặt hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước lo lắng về những rủi ro liên quan đến việc các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn thường xuyên theo dõi, giám sát và cảnh báo các ngân hàng thương mại.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bất động sản luôn là nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất. Trong đó, riêng quý 2/2020, đạt 71.600 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đáng nói, ngân hàng thương mại mua tới 28.200 tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành.

Giải thích về việc tăng trưởng nhanh chóng của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, các chuyên gia cho rằng chủ yếu đến từ việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại siết cho vay bất động sản – một lĩnh vực được cho là tiềm ẩn rủi ro.

Cùng với đó, dịch Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, khó trả nợ, do đó, vay ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại dùng khá nhiều tiền mua trái phiếu bất động sản khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu có phải đây là một “chiêu” mà các ngân hàng giúp doanh nghiệp đảo nợ.

Cụ thể, khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, không trả được nợ thì các doanh nghiệp này phát hành trái phiếu và ngân hàng mua; doanh nghiệp bất động sản sẽ dùng tiền bán trái phiếu đó để trả nợ cho ngân hàng. Điều này gây rất nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

Việc các ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tính vào chỉ tiêu tín dụng

Việc các ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ được tính vào chỉ tiêu tín dụng

Trên thực tế, hiện nay các khoản nợ của doanh nghiệp bất động sản đang chiếm phần lớn trong nợ xấu ngân hàng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục bán giải chấp tài sản của các công ty bất động sản hoặc những công ty có liên quan bất động sản, rất nhiều tài sản bán nhiều lần vẫn không có khách mua.

Do đó, các ngân hàng có thể rơi vào thế kẹt, nếu không cho doanh nghiệp vay thì doanh nghiệp sẽ khó khăn, không có khả năng trả nợ, ngân hàng do đó cũng khốn đốn. Mà cho vay thì bị tính vào tín dụng tiềm ẩn rủi ro.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn được tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và được cơ quan quản lý giám sát chặt.

"Phương châm chỉ đạo, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, do đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nếu các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Cũng theo bà Hồng, hiện nay các ngân hàng huy động vốn có tỷ trọng cao là vốn ngắn hạn, trong khi các khoản đầu tư như chứng khoán và bất động sản thường là dài hạn có rủi ro nhất định về thanh khoản, do đó đòi hỏi phải thẩm định khả năng thu hồi vốn, đánh giá dòng tiền trong tương lai chặt chẽ.

"Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các vụ cục chức năng như Vụ Thanh tra giám sát, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ... thường xuyên theo dõi, báo cáo về tình hình các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, nếu nhận thấy có rủi ro sẽ lập tức có văn bản cảnh báo", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản cảnh báo đến các tổ chức tín dụng về hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, chỉ ra những rủi ro trong hoạt động này khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số ngân hàng tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có những biện pháp hạn chế rủi ro. Đặc biệt, yêu cầu các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành...

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.

Cơ quan quản lý khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.