Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu thêm 3 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 15/8/2025.

Đây là đề xuất được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Như vậy, theo đề xuất này, Nghị quyết 42 sẽ được kéo dài thời gian áp dụng thêm 3 năm so với quy định hiện hành (15/8/2022) nhằm tránh khoảng trống pháp lý trong khi đợi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành.

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022.

Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào 15/8/2022 tới

Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào 15/8/2022 tới

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực.

Theo đó, báo cáo của các TCTD cho thấy, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...

Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11/2021 tăng cao ở mức trên 2%.

Trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 7,42%.

Trong khi nợ xấu có nguy cơ tăng lên thì việc không tiếp tục thực hiện các quy định của Nghị quyết 42 sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Thứ nhất, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được, đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Thứ hai, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ gặp phải những tác động như trước khi có Nghị quyết 42. Cụ thể, làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD sẽ không được bảo vệ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát sẽ dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát nợ xấu phát sinh và duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD nói riêng và nguồn cung tín dụng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, việc chấm dứt quyền thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42, sẽ khiến ngân hàng,VAMC phát sinh thêm chi phí, giảm giá trị thu hồi từ xử lý tài sản bảo đảm, khiến việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn...

Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, qua đó ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và tạo ra nguy cơ rủi ro lan truyền; nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương khi hệ thống các TCTD đối mặt với các nguy cơ, rủi ro đổ vỡ.