Ngân hàng lợi nhuận kỷ lục nhưng vẫn chưa hết lo nợ xấu

ANTD.VN - Một số ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý II-2019 cho thấy, dù con số lợi nhuận rất khả quan nhưng đi kèm đó, nợ xấu vẫn có xu hướng tăng lên.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2019 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy, 2 quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản Vietcombank đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách khàng tăng 9,9% đạt 682.809 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng cũng tăng 8,6% đạt 870.860 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu của Vietcombank cũng tăng tới hơn 910 tỷ so với hồi đầu năm, từ 6.223 tỷ đồng lên mức 7.134 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng vọt từ 292 tỷ lên tới 1.670 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ nhóm 4 giảm từ 1.160,5 tỷ đồng xuống 702,4 tỷ đồng; nợ nhóm 5 giảm từ 4.770,6 tỷ đồng xuống 4.761,5 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 35% so với cùng kỳ, đạt gần 2.700 tỷ đồng, qua đó, đưa lợi nhuận sau thuế bán niên tăng 58% so cùng kỳ, đạt gần 1.300 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của TPBank đến hết quý II đạt gần 89.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm. Đi kèm với đó, nợ xấu của ngân hàng cũng tăng khá mạnh.

Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến ngày 30-6-2019 là gần 1.336 tỉ đồng, tăng gần 475 tỉ đồng (hơn 55%) so với cuối năm 2018, đưa tỷ lệ nợ xấu tại 2 thời điểm này tăng từ 1,1% lên 1,5%

Trong đó, nợ nhóm 3 tăng từ 296 tỷ đồng lên 485 tỷ đồng; nhợ nhóm 4 tăng từ 242,4 tỷ lên 468 tỷ đồng, nợ nhóm 5 cũng tăng từ 323 tỷ đồng lên 382,7 tỷ đồng.

Nợ xấu vẫn chưa thực sự được kiềm chế hiệu quả tại các ngân hàng

Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 1.461 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ; cho vay khách hàng đạt 279.420 tỷ đồng, tăng 8,8%...

Dù tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ xuống mức 2,04% (cùng kỳ 2018 ở mức 2,19%) nhưng quy mô nợ xấu vẫn không ngừng tăng. Cụ thể, trong khi nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm từ 4.957,5 xuống 4.793,2 tỷ đồng; thì nợ nhóm 3 tăng từ 377,8 tỷ lên 500,5 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng từ 311,4 lên 408,7 tỷ đồng.

Tính chung, tổng nợ xấu quý II-2019 của Sacombank tăng khoảng 55 tỷ đồng so với cùng kỳ…

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), dù nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm mạnh từ 962 tỷ đồng hồi cuối năm 2018 xuống chỉ còn 317 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 3 lại tăng từ 1.099 tỷ đồng lên 1.304 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng mạnh từ 797 tỷ đồng lên 1.379 tỷ đồng (tăng 73%). Theo đó, tổng nợ xấu tại MB vẫn tăng hơn 150 tỷ đồng so với cuối năm 2018 và đang ở mức 1,25%.

Các ngân hàng trước, tuy chưa công bố báo cáo tài chính nhưng có thể thấy bức tranh lợi nhuận hết sức khả quan, nhiều ngân hàng đạt kỷ lục lợi nhuận từ trước đến nay. Tuy nhiên, nợ xấu cũng vẫn có xu hướng tăng về con số tuyệt đối, các ngân hàng vẫn đang phải trích một phần lợi nhuận lớn để dự phòng rủi ro tín dụng.