Ngân hàng lo ngay ngáy vì áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù nợ xấu các ngân hàng công bố vẫn đang trong giới hạn cho phép và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao, nhưng trên thực tế, nợ xấu tiềm ẩn đang ở mức không hề thấp. Khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực thì có thể số nợ xấu này mới “bung ra”, gây áp lực cho các nhà băng.

Nợ xấu "ẩn mình" trong nợ được cơ cấu

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy những tháng đầu năm 2021, nợ xấu nội bảng các ngân hàng có xu hướng tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ mức 1,69% hồi cuối năm 2020 lên mức 1,78% vào thời điểm cuối tháng 4/2021.

Còn báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cũng cho thấy nợ xấu đang gia tăng tại nhiều ngân hàng, dù mức tăng chưa lớn. Cụ thể, nợ xấu tuyệt của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tăng khoảng 5% so với cuối năm 2020, vào khoảng 93.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được nợ xấu thực tế tại các ngân hàng, bởi việc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước tạm thời chưa tạo áp lực nợ xấu và trích lập dự phòng thời điểm hiện tại, nhưng sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng khi các quy định này hết hiệu lực.

Còn TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, theo tính toán, trong tổng số nợ đang được cơ cấu lại là 357.000 tỷ đồng hiện tại, có khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, tức là có thể biến thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu (khoảng 120.000 tỷ đồng).

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, năm nay, nợ xấu gộp (bao gồm nợ tiềm ẩn, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, nợ nội bảng) có thể lên tới 3,43-3,84%. Còn nếu tính cả nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01 và Thông tư 03 thì có thể lên tới 4,56 - 5%.

Điều này có nghĩa, nếu tính toán một cách đầy đủ, nợ xấu cuối năm nay có thể lên tới nửa triệu tỷ đồng - cao hơn rất nhiều so với thống kê sổ sách của các ngân hàng hiện nay.

Một khối lượng không nhỏ nợ xấu các ngân hàng vẫn đang "ẩn mình" trong các khoản nợ được cơ cấu

Một khối lượng không nhỏ nợ xấu các ngân hàng vẫn đang "ẩn mình" trong các khoản nợ được cơ cấu

Ngân hàng lo áp lực trích lập dự phòng rủi ro

Theo quy định về tỷ lệ trích lập dự phòng hiện nay, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng sẽ là 5% với nợ cần chú ý (nợ nhóm 2); 20% với nợ dưới chuẩn (nhóm 3); 50% với nợ nghi ngờ (nhóm 4) và 100% với nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Tuy nhiên, với nguy cơ nợ xấu có thể tăng cao, nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro cao hơn nhiều so với quy định. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã đạt trên 100%, thậm chí một số ngân hàng đạt trên 200-300%.

Đơn cử như tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến hết tháng 6/2021 là 352%, tức cứ 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng này đã dự phòng tới 352 đồng. Hay như MB, tỷ lệ này đạt 236%; Techcombank đạt 259%...

Đây là những con số đáng mừng, nhưng thực tế, do nợ xấu chưa được tính đầy đủ nên con số về tỷ lệ bao phủ nợ xấu nói trên cũng không phản ánh đúng thực tế.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 03 đã giúp nhiều món nợ đáng ra phải chuyển thành nợ xấu thì vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, do đó tổng dư nợ xấu trên sổ sách có thể thấp hơn nhiều so với nợ xấu thực tế, kéo theo tỷ lệ dự phòng nợ xấu thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với trên sổ sách.

Điều này dẫn đến lợi nhuận các ngân hàng công bố thời gian qua cũng sẽ không phản ánh đúng thực tế. TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, hiện nay các ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận rất lớn, từ 12-20% vốn điều lệ. Tuy nhiên, thực chất đây là lợi nhuận có bao gồm cả các khoản giãn, hoãn nợ (nợ xấu) mà chưa phải trích lập dự phòng rủi ro.

“Nói cách khác, đây là lợi nhuận dự tính thu được (lãi dự thu), không phải là tiền thật 100%. Cổ đông ngân hàng phấn khởi, ngân sách tăng thu nhưng đều là thu từ nợ xấu chưa hạch toán nội bảng. Khi hết các quy định về giãn, hoãn nợ, nợ xấu sẽ tăng đột biến trên nội bảng, dẫn đến trích lập dự phòng cũng phải tăng cao, lợi nhuận dự thu giảm mạnh...” – ông Nghĩa cho biết.

Trước những áp lực trên, tron kiến nghị gửi NHNN về việc sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã đề xuất NHNN xem xét điều chỉnh kéo dài thời hạn trích lập bổ sung (có thể trong 5 năm) và giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro để giảm tải áp lực tài chính cho các TCTD.

Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Thông tư mới công bố lấy ý kiến, để đảm bảo an toàn hệ thống, NHNN vẫn quyết “siết” chặt trích lập dự phòng. Theo đó, các ngân hàng có thể vẫn phải trích lập tối thiểu 30% số tiền dự phòng phải trích bổ sung đến ngày 31/12/2021 và trích lập cho toàn bộ nợ cơ cấu lại trong vòng 3 năm theo quy định hiện hành tại Thông tư 03.