Ngắn cũng như dài

(ANTĐ) - Có thể nói, trong 4 năm qua, hội nghị đối thoại hàng năm giữa Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế chỉ xoay quanh mấy chủ đề chính. Đó là những bất ổn kinh tế vĩ mô và tác động của chúng tới người nghèo, tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ; vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hội nghị lần này có thêm một nội dung “nóng” là việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế, ngăn chặn lạm phát.

 “Bất ổn kinh tế vĩ mô đã quay trở lại Việt Nam trong vài năm qua. Đây có phải là đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam hay không?” bà Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thay mặt cho các đối tác phát triển đặt câu hỏi cho Chính phủ. Bà giải thích thêm, các cuộc hội nghị, thảo luận cần tiếp tục “mổ xẻ” tìm nguyên nhân để đưa nền kinh tế không bị ảnh hưởng xấu bởi tình trạng bất ổn lặp đi lặp lại.

Ngay từ năm 2008, khi kinh tế nước ta rơi vào tình trạng “đầu nóng chân lạnh” hoặc “chân nóng đầu lạnh”, đại diện Chính phủ và các nhà tài trợ đã phân tích và nhận định những nguyên nhân cốt lõi gây bất ổn kinh tế vĩ mô: sự thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, nhập siêu lớn, thông tin thị trường kém minh bạch.

Nhiều biện pháp khắc phục, nhiều chủ trương mạnh mẽ đã được thực thi kiên trì và quyết liệt, song dường như ngoài một vài chuyển biến bề nổi dễ nhận thấy, sự bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn chưa thay đổi được bao nhiêu. Mặc dù có giảm dần, nhưng vốn ODA vẫn tiếp tục đổ vào nước ta với mục tiêu lớn nhất là cải thiện cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại hội nghị này, sau khi chuẩn nghèo đã được điều chỉnh, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã tăng tới 14,2%, có nghĩa là hiện vẫn còn khoảng 3,05 triệu người đang sống dưới mức nghèo khổ. Không nên quên rằng, chuẩn nghèo của Việt Nam vừa được nâng lên 400 nghìn đồng/người/tháng ở nông thôn và 500 nghìn đồng/người/tháng ở thành thị, thì ngay từ giữa năm 2008 (kinh tế thế giới suy thoái mạnh), Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đã nâng mức chuẩn nghèo lên lần lượt là 2 USD/người/ngày và 1,75 USD/người/ngày.

Điều này có nghĩa là, dù Việt Nam từng được ngợi ca là quốc gia xóa đói giảm nghèo rất ấn tượng, nhưng vẫn nằm trong “vùng trũng nghèo”.

Một bằng chứng hiển nhiên là, chỉ trong hai tháng đầu năm nay, theo số liệu thống kê chưa công bố, số người thiếu lương thực lên tới gần 839.000 người, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010. Con số này nếu so với gần 86 triệu dân thì quả thật là “lọt thỏm”, nhưng các chuyên gia lưu ý một sự thật: đến tháng 5 vừa qua, tỷ lệ lạm phát đã tăng tới 54% so với năm 2007.

Đói thì không hẳn là đói, song “ăn bữa sớm lo bữa tối” hoặc “giật gấu vá vai” thì không thể tránh khỏi. Làm cách nào khắc phục tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô thường trực để giảm bớt gánh nặng trĩu vai cho người dân, quả là một câu hỏi không dễ trả lời một cách đơn giản. Giám đốc Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng, các biện pháp ngắn hạn hiện nay phải trở thành dài hạn để ổn định lại nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ cần cam kết dài hạn để thực hiện Nghị quyết 11 nhằm khôi phục niềm tin thị trường. Điều nay đòi hỏi nhiều thời gian hơn mức trông đợi hiện nay.

Nghe như một nghịch lý: giải pháp ngắn hạn cũng chính là giải pháp dài hạn. Để dỡ bỏ áp lực lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, thì trước mắt và cả lâu dài cần phải sử dụng đầu tư công hiệu quả hơn và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các đối tác quốc tế tin chắc rằng, Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô lặp đi lặp lại, khi thực hiện thành công những cải cách cơ cấu quan trọng đó.