Ngăn cơn suy thoái toàn cầu

ANTĐ - Kinh tế toàn cầu đang bước vào một giai đoạn bất ổn mới mà bằng chứng là lời cảnh báo của mạng tin “Nghiên cứu toàn cầu” rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy thoái ngày càng trầm trọng tại nhiều quốc gia.

Người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế thế giới suy giảm

Theo tổng kết của các chuyên gia kinh tế, chu kỳ tăng trưởng kinh tế thường kéo dài 3 năm. Mà quá trình hồi phục sau khủng hoảng 2008-2009 đã trải qua hơn 2 năm và 3 năm rưỡi kể từ đỉnh chu kỳ kinh doanh tháng 12-2007. Do vậy những chuyên gia này tính toán một chu kỳ suy thoái mới có thể đang bắt đầu.

Trên thực tế, dự báo của các nhà kinh tế đã thành hiện thực. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 xuống còn 3,3%, so với mức 3,5% mà tổ chức này công bố hồi tháng 7-2012. IMF cũng tỏ ra bi quan về triển vọng kinh tế thế giới vào năm 2013 khi dự đoán tăng trưởng chỉ đạt mức 3,6%, thấp hơn mức dự báo 3,9% đã công bố, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục suy thoái nếu cơn khủng hoảng nợ công châu Âu không được ngăn chặn.

Nhìn vào cường quốc kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, tín hiệu xấu đang lớn dần. Giá cổ phiếu của Mỹ lại bắt đầu “trượt dốc” khi các công ty công bố doanh số và lợi nhuận giảm sút, dẫn đến phải cắt giảm một lượng lớn nhân công. Mới đây, ngày 23-10, Tập đoàn sản xuất hóa chất lớn nhất nước Mỹ Dow Chemical đã tuyên bố cắt giảm 2.400 việc làm và đóng cửa 20 nhà máy nhằm ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu. 

Ngoài nguyên nhân có tính chu kỳ, theo mạng tin “Nghiên cứu toàn cầu”, ngay sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ vào năm 2008, các chính phủ khắp thế giới đều tăng vay nợ khi dành hàng nghìn tỷ USD nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, xu hướng này đã bị đảo ngược vào tháng 

6-2010, khi một hội nghị của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 đề xuất việc quay trở lại các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và nhấn mạnh nhu cầu “củng cố tài chính”. 

Bản chất của chương trình này là thu hồi tiền đã trao cho các ngân hàng thông qua việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ, nhất là các dịch vụ xã hội. Chương trình trên đã khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm, dẫn đến nguy cơ lợi nhuận giảm sút của các tập đoàn lớn. Trên quy mô toàn cầu, xu hướng quay lại các chính sách bảo hộ của những năm 1930, yếu tố từng “hủy hoại” thương mại thế giới, lại đang được nhiều nước áp dụng.

Viễn cảnh kinh tế thế giới khá là ảm đạm. Đà hồi phục của kinh tế toàn cầu hiện nay phụ thuộc lớn vào các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Mỹ hiện đang gấp rút thoát khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng thông qua việc tăng dần hạn mức nợ công, cũng như phê duyệt kế hoạch ổn định ngân sách trong trung hạn. Còn châu Âu thì cho ra đời Quỹ giải cứu khủng hoảng, hay còn gọi là Cơ chế bình ổn châu Âu, trị giá 650 tỉ USD, nhằm cứu khu vực đồng euro khỏi cơn lốc nợ công.

Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp trên phải chờ thời gian kiểm nghiệm. Còn hiện tại, các nhà kinh tế khuyến cáo các nước phải tiến hành các biện pháp ứng phó, đặc biệt là việc bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất, nhóm người nghèo, cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.