Ngăn chặn xu hướng bạo lực của người tâm thần,"ngáo đá" (2): Nhận diện người "ngáo đá", tâm thần

ANTD.VN - Để nhận biết người tâm thần không khó, nhưng nhận biết đối tượng “tiền ngáo đá” thì không hề dễ dàng, thường chỉ đến lúc đã có hành vi. Chính vì vậy, việc không cách ly người tâm thần, người nghiện ma túy “đá” ra khỏi cộng đồng có thể gây nguy hiểm cho chính họ lẫn mọi người xung quanh.

Ngăn chặn xu hướng bạo lực của người tâm thần,"ngáo đá" (2): Nhận diện người "ngáo đá", tâm thần ảnh 1Đối tượng “ngáo đá” được Công an giải cứu khỏi nguy hiểm khi nhảy xuống sông Tô Lịch

Cặp bài trùng “ngáo đá” - tâm thần

Những vụ cuồng sát từ người có bệnh tâm thần và “ngáo đá” dễ xảy ra, một phần do người thân trong gia đình của họ đã không nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi manh động khi não bộ không làm chủ được hành vi. Hậu quả mà những kẻ “ngáo đá” hay bệnh nhân tâm thần gây ra trong thời gian qua là do sự chủ quan của người thân. Với bệnh nhân tâm thần, gia đình họ cứ ngỡ khi được xuất viện là đã ổn. Tuy nhiên, theo các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, thì bệnh này rất khó chữa. 

Bác sỹ Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương cho biết: “Tội phạm tâm thần tiền sử khác với bệnh do sử dụng ma túy, dẫn đến tâm thần và phạm tội. Đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến tâm thần thường biểu hiện trong và sau khi sử dụng ma túy tổng hợp, còn bệnh tâm thần thông thường có biểu hiện cụ thể mà có thể nhận biết được qua sinh hoạt bất thường của họ. Tuy nhiên, tất cả đều liên quan đến sự chi phối hệ thần kinh, dẫn đến các cảm quan của đối tượng bị tác động vào não, dẫn đến việc gây án hoặc thực hiện hành vi phạm tội”. 

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy CATP Hà Nội, các đối tượng “ngáo đá” thông thường không có biểu hiện theo cơn như đối tượng sử dụng ma túy khác. Bởi đối tượng sử dụng ma túy “đá” tùy theo mức độ chịu đựng của sức khỏe, hệ thần kinh và thời gian sử dụng. Có những trường hợp do hệ thống thần kinh không chịu đựng được khi sử dụng ma túy “đá”, sẽ mất kiểm soát và gây nên ảo giác, hoang tưởng rồi thực hiện các hành vi bất thường, lệch chuẩn.

Methaphetamine - hay còn gọi là ma túy “đá” tồn tại dưới dạng bột kết tinh màu trắng, dễ tan trong nước, khó tan trong dung môi hữu cơ. Đây là ma túy rất nguy hiểm, khiến người sử dụng bị đánh lừa cảm giác, hệ thần kinh hay còn gọi là loạn tâm thần. Người sử dụng bị ảo giác về sức khỏe, vị trí trong xã hội, có những hành động bạo lực, tự thương như nhảy từ trên nhà cao tầng xuống đất mà không biết sợ…

Biểu hiện bất thường của người sử dụng ma túy tổng hợp bị “ngáo” là mắt thường xuyên đảo qua, đảo lại và đồng tử nở rộng, tự gây thương tích cho bản thân, đốt túi nilon nhỏ lên cơ thể, không cần ăn uống, thức khuya, mất tập trung và có những hành động vô thức như mang đồ đạc ra “sửa chữa”… và “ngáo” nặng có thể gây sát thương cho người xung quanh và bản thân.

Ngăn chặn xu hướng bạo lực của người tâm thần,"ngáo đá" (2): Nhận diện người "ngáo đá", tâm thần ảnh 2Công an tuyên truyền cho các học sinh nhận biết ma túy tổng hợp, cách phòng ngừa

Quản lý người tâm thần và người nghiện

Về phía lực lượng Công an, để triệt tận gốc tội phạm do đối tượng “ngáo đá” và người tâm thần gây ra, ngoài biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền, CATP Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận huyện tập trung đánh mạnh đầu mối cung cấp ma túy và quản lý chặt chẽ người tâm thần, nhất là người tâm thần lang thang.

Theo đó, lực lượng công an cơ sở dùng nhiều biện pháp để phát hiện kịp thời các đối tượng sử dụng ma túy tại địa bàn và người tâm thần hiện đang sống trên địa bàn hoặc lang thang. Các đơn vị chức năng như Phòng CSHS, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy và công an các quận huyện, phường, xã, đồn, thị trấn phải thường xuyên tổ chức rà soát, bổ sung các đối tượng nghiệm ma túy và người tâm thần do sử dụng ma túy để lập hồ sơ quản lý. “Việc phân loại đối tượng ngay từ cơ sở của công an cũng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Bởi các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp  thường rơi vào số thanh niên trẻ tuổi thích chơi bời, hoặc từng sử dụng ma túy”- Trung tá Nguyễn Thiện Chiến, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội cho biết. 

Tuy nhiên, chỉ trông chờ vào lực lượng Công an thì chưa đủ. Theo bác sỹ Dương Văn Lương, các đối tượng đã có tiền sử bệnh tâm thần thì việc quản lý tốt nhất phải thực hiện đồng bộ từ gia đình, người thân kết hợp với bệnh viện. Những trường hợp bị tâm thần, thông thường sau khi chữa trị thì bệnh thuyên giảm và người bệnh trở lại bình thường, không thể buộc chữa trị tập trung mãi ở bệnh viện, mà phải cho họ trở về gia đình. Tuy nhiên, không ai dự liệu được rằng người này có thể tái phát bệnh hay không, nên nguy cơ đối với chính người nhà bệnh nhân và cộng đồng xung quanh vẫn còn hiện hữu. Chính vì vậy, phải có sự giám sát hết sức chặt chẽ mọi biểu hiện của người có tiền sử tâm thần.

Xu hướng bệnh tâm thần xuất hiện trong thời gian gần đây, chủ yếu liên quan đến sử dụng ma túy, thường đột xuất chứ không theo chu kỳ như bệnh tâm thần tiền sử. Do đó, muốn quản lý, điều trị bệnh của số đối tượng này đạt hiệu quả thì phải cách ly hẳn với ma túy. Với người bệnh tâm thần, để hạn chế hậu quả bạo lực do bệnh tái phát phải có sự giám sát chặt chẽ từ gia đình, có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

Kỳ 3: Pháp luật phải là “rào chắn”