Ngăn chặn trục lợi từ chủ trương xã hội hóa

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, có 14 tỉnh, thành điều chỉnh giá hàng trăm dịch vụ khám chữa bệnh. Khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sẽ giảm bớt bao cấp tràn lan cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ chi phí, khiến những đối tượng cần hỗ trợ lại chưa được thực hiện đầy đủ. Vì vậy việc nâng cao chất lượng dịch vụ rất khó khăn, quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế có tăng nhưng chưa được đảm bảo; lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân còn xa vời. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho y tế, bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, phát triển các bệnh viện chất lượng cao, là con đường tất yếu để ngành y tế phát triển.

Theo Bộ Y tế, khi giá dịch vụ được tính đủ, thì giá dịch vụ của bệnh viện công, giá từ các hoạt động xã hội hóa và giá bệnh viện tư sẽ tương đương, không tạo ra hai mặt bằng như hiện nay, mà giá sẽ phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ. Khi đó, sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các bệnh viện, cả công và tư đều phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bệnh viện tư phải chấp nhận đầu tư hàng chục triệu USD, khoảng 6-7 năm thu mới có thể bù chi, sớm nhất là 5 năm thì đủ khấu hao. Ngoài việc đầu tư lớn mua sắm dụng cụ, thiết bị y tế các bệnh viện còn phải mời những giáo sư, bác sỹ có danh tiếng. Trong khi các bệnh viện công ở Hà Nội, TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, thì không ít bệnh viện tư chỉ có 200-300 giường bệnh, nhưng công suất sử dụng mới đạt 40-50%, thậm chí 13-30%. Theo ý kiến của lãnh đạo một số bệnh viện tư, chính sách xã hội hóa và việc thực hiện chệch hướng đã “bóp nghẹt” các bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân.

Thực trạng dễ nhận thấy nhất là, tài sản công, nhân lực công và danh tiếng lâu đời của bệnh viện công được tận dụng để kinh doanh, mà không phải toàn bộ lợi nhuận được chia sẻ cho mọi người. Giám đốc một số bệnh viện tư nói thẳng, lợi nhuận chỉ rơi vào túi một số người, trong khi người bệnh vốn hay lo lắng về bệnh tật nên vẫn đổ dồn về các bệnh viện công dù giá cả dịch vụ chưa hẳn đã rẻ hơn. Hơn thế, không ít bệnh viện công lại lấy công làm tư như mổ dịch vụ, chụp X-quang. Họ đã “khoác áo” xã hội hóa để bắt tay tư nhân nhằm trục lợi từ bệnh nhân. Chính sách, cơ chế cũng chưa công bằng giữa công và tư. Chẳng hạn, bảo hiểm y tế ký với bệnh viện tư khác với bệnh viện công, bệnh nhân hưởng một số dịch vụ kỹ thuật cao cũng có mức giá khác nhau. Nếu còn tình trạng “khoác áo” xã hội hóa y tế, đối xử bất công giữa bệnh viện công và tư, thì khó có thể kêu gọi đầu tư bệnh viện để giảm tải cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Bởi vậy, việc ngăn chặn mọi hành vi trục lợi bất hợp pháp của một số đối tượng lợi dụng chủ trương xã hội hóa đầu tư cho y tế, là hết sức cần thiết! Việc ngăn chặn hành vi trục lợi không chỉ của riêng các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà còn cần xuất phát từ chính ngành y tế, từ chính các bệnh viện.