Ngăn chặn thủ đoạn tinh vi truyền bá “đường lưỡi bò” phi pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên thực địa, những năm gần đây Trung Quốc còn nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng cách truyền bá rất tinh vi nhiều thông điệp sai trái về yêu sách chủ quyền của nước này ra thế giới.
Hình ảnh đường lưỡi bò - chỗ gạch chéo - trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy

Hình ảnh đường lưỡi bò - chỗ gạch chéo - trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy

Những thủ đoạn truyền bá yêu sách chủ quyền phi lý

Mới đây, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa thông tin Cục Quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên thành phố Thượng Hải đã yêu cầu đơn vị vận hành trang web của một công ty bán lẻ thời trang đa quốc gia phải chỉnh sửa một bản đồ Trung Quốc mà Cục này cho là “có vấn đề”. Phía Trung Quốc tuyên bố công ty này đã chấp nhận yêu cầu của cơ quan nước này về việc đăng tải lại bản đồ, trong đó có các khu vực nhạy cảm.

Lâu nay, cụm từ “bản đồ có vấn đề” thường được Trung Quốc sử dụng để nói về bản đồ mà Bắc Kinh xem là có yếu tố “gây phương hại chủ quyền, lãnh thổ, an ninh và lợi ích” của nước này. Đó là những bản đồ không có “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông, thiếu quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản, có phần đảo Đài Loan tô màu khác với Trung Quốc và thiếu một số phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.

Không biết cụ thể vụ việc trên diễn ra như thế nào nhưng liên quan đến “đường lưỡi bò” thì Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách cài cắm yêu sách chủ quyền phi pháp chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông thông qua các chiến dịch truyền thông, hoạt động khoa học, văn hóa và giải trí. Mục đích là nhằm khiến dư luận quốc tế nhầm hiểu xung quanh bản chất “đường lưỡi bò”.

Trước hết, “đường lưỡi bò” phi pháp này được in trên các ấn phẩm du lịch, được đưa vào phim ảnh. Sau đó, các công ty du lịch hoặc công ty giải trí của Trung Quốc mang ấn phẩm, phim ảnh này sang dự hội chợ, phát cho các công ty du lịch, trình chiếu ở các nước khác. Đơn cử như tháng 10-2019, phim hoạt hình Everest (Người tuyết bé nhỏ) do Hãng DreamWorks (Mỹ) hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc đã bị các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, phản đối dữ dội vì gài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp.

“Đường lưỡi bò” cũng thường được Trung Quốc tìm cách chèn vào các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học. Theo một con số thống kê, kể từ năm 2017, số lượng các bài báo khoa học có chèn “đường lưỡi bò” lên tới hàng nghìn bài, trong khi thời điểm trước đó rất hiếm. Trung Quốc cũng thường cho các học giả quốc tế tới dự các diễn đàn khoa học về Biển Đông để tuyên truyền về “đường lưỡi bò”.

Thậm chí, Trung Quốc còn lợi dụng cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) cho mục đích này. Tháng 3-2020, Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy cho đăng lên Facebook và Twitter bức tranh 2 nhân viên y tế Trung Quốc và Italy cùng nâng bản đồ 2 nước, thể hiện ý đồ tri ân và giúp đỡ lẫn nhau vượt qua Covid-19. Tuy nhiên trong tranh, phần bản đồ Trung Quốc lại được đính thêm “đường lưỡi bò” khiến dư luận bất bình.

Ngang nhiên hơn, các du khách Trung Quốc còn mặc cả áo in hình “đường lưỡi bò” khi nhập cảnh vào nước khác. Tháng 5-2018, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải xử lý đoàn du khách Trung Quốc mặc áo thun có hình “bản đồ lưỡi bò” khi nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh. Khi làm thủ tục qua cửa kiểm soát, số du khách Trung Quốc này đều mặc áo khoác bên ngoài nhằm che giấu áo mặc bên trong có in bản đồ với “đường lưỡi bò”.

Kiên quyết ngăn chặn âm mưu cài cắm thông tin sai trái

Những năm gần đây, mặc dù Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12-7-2016 đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ tham vọng độc chiếm vùng biển này. Âm thầm và tinh vi tuyên truyền chủ quyền của mình trên Biển Đông bằng các thông tin liên quan đến “đường lưỡi bò”, Bắc Kinh hy vọng từng bước thay đổi quan điểm của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông, tiến tới giành sự công nhận trên thực tế.

Toan tính này của Trung Quốc là nhất quán và lâu dài. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế và các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông phải rất tỉnh táo để nhận diện thủ đoạn cài cắm hết sức tinh vi của Trung Quốc, nhất là với các thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”, từ đó có phản ứng thích hợp và kịp thời nhằm ngăn chặn các hành vi này.

Trước hết, chúng ta cần phải tuyên truyền giải thích, làm cho mọi người hiểu rõ toan tính cũng như tác hại từ những hành động của Trung Quốc nhằm tác động lâu dài vào tiềm thức của người dân. Cần làm rõ rằng những tài liệu của Trung Quốc mang nội dung xuyên tạc lịch sử, sai sự thật, vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và hành động phát tán tài liệu này là vi phạm pháp luật Việt Nam. Bên cạnh tuyên truyền sâu rộng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, thì cần lồng ghép, nhấn mạnh trong giáo dục phổ thông, đại học về âm mưu này để mọi người hiểu. Việc giáo dục lịch sử truyền thống chống ngoại xâm, đặc biệt là với lớp trẻ, cũng rất quan trọng.

Trên cơ sở đó, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Phải làm sao mỗi người dân phải là một kiểm soát viên, là “tai mắt” giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm, tài liệu liên quan đến “đường lưỡi bò”. Đặc biệt khi các hình ảnh “đường lưỡi bò” được in vào quần áo, vào hộ chiếu, sách báo, phim ảnh… rồi vô tình hay cố ý được phát tán và lộ ra.

Cuối cùng là tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước. Chúng ta không được xem thường dù là một biểu hiện nhỏ liên quan đến “đường lưỡi bò”, mà phải kiên quyết đấu tranh. Chẳng hạn như biện pháp của Tổng cục Du lịch yêu cầu siết chặt công tác quản lý nội dung thông tin và ấn phẩm quảng bá du lịch, không để những ấn phẩm quảng bá hình ảnh phi pháp với “đường lưỡi bò” do nước ngoài xuất bản lại xuất hiện ở Việt Nam.

Hay như yêu cầu của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) với các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (game online) tại Việt Nam phải tăng cường rà soát các hình ảnh, sơ đồ, bản đồ trong game để đảm bảo không vi phạm chủ quyền biên giới, vi phạm pháp luật Việt Nam. Yêu cầu này được đưa ra sau cảnh báo của các cơ quan chức năng về tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, trong đó có cả các trò chơi điện tử trên mạng.