Ngăn chặn sớm, hiệu quả “làn sóng” dịch Covid-19 mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng những ngày qua đang đặt ra cho chúng ta thách thức lớn phải làm sao ngăn chặn hiệu quả, sớm nhất có thể đợt dịch mới bùng phát này, không để xảy ra “làn sóng” dịch nghiêm trọng như nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay nhằm bảo vệ thành quả mà phải khó khăn lắm mới có được.
Bằng những biện pháp khẩn trương quyết liệt theo tinh thần chủ động tấn công, chúng ta tin tưởng sẽ sớm kiểm soát, khống chế đợt dịch hiện nay

Bằng những biện pháp khẩn trương quyết liệt theo tinh thần chủ động tấn công, chúng ta tin tưởng sẽ sớm kiểm soát, khống chế đợt dịch hiện nay

Đợt dịch sau nghiêm trọng hơn đợt dịch trước

Theo ghi nhận mới nhất do Bộ Y tế công bố, tính tới 20h ngày 6-5, nước ta phát hiện thêm 60 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19), trong đó có 56 ca mắc trong cộng đồng. Như vậy, kể từ khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào ngày 23-1-2020 tới nay, nước ta đã ghi nhận tổng cộng 3.090 ca mắc Covid-19, trong đó 1.690 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 120 ca.

Giới chuyên môn cho rằng, từ ca mắc Covid-19 đầu tiên được chính thức ghi nhận tới nay, nước ta đã trải qua nhiều đợt dịch. Trong đó, đợt đầu tiên chỉ ghi nhận 16 trường hợp mắc Covid-19 và chúng ta đã khoanh vùng, dập dịch rất nhanh để tới ngày 25-2-2020, tức chỉ hơn 1 tháng sau các ca bệnh đầu tiên là hai bố con người Trung Quốc nhập cảnh, toàn bộ 16 ca mắc bệnh đều đã được chữa khỏi.

Đợt dịch Covid-19 thứ hai bắt đầu từ ngày 6-3-2020 với ca bệnh số 17 gian dối trong khai báo khi nhập cảnh về nước để dịch lây lan ở trong nước. Cho dù đợt dịch này diễn biến phức tạp hơn nhiều với “ổ dịch” lớn tại Bệnh viện Bạch Mai và nhiều ca bệnh Covid-19 mất dấu F0, song bằng các biện pháp khẩn trương, quyết liệt như tiến hành giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, chúng ta đã sớm chặn đứng làn sóng lây lan, không để xảy ra trường hợp tử vong nào, dù các những ca bệnh rất nặng như bệnh nhân 91 là phi công người Anh.

Đợt dịch thứ ba bùng phát ngày 25-7-2020 khi thành phố Đà Nẵng được coi là ổ dịch lớn nhất Việt Nam, lây lan nhiều tỉnh thành. Đợt dịch này nghiêm trọng hơn cả hai đợt dịch đầu tiên cộng lại, diễn ra trong thời gian khoảng 2 tháng với tổng số hơn 800 người mắc bệnh. Đáng buồn là trong đợt dịch này có 35 bệnh nhân Covid-19 tử vong, dù đây là những trường hợp bệnh nặng, có nhiều bệnh nền.

Đợt lây nhiễm gần đây nhất bùng phát ngày 27-1-2021 và cũng là đợt lây nhiễm nghiêm trọng nhất tại nước ta kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta từ đầu năm 2020 với tổng cộng 910 trường hợp mắc bệnh. “Tâm dịch” tỉnh Hải Dương bị nặng nhất với 726 ca, tiếp đến là Quảng Ninh 61 ca, thành phố Hồ Chí Minh 36 ca, Hà Nội 34 ca, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca, Bắc Ninh 5 ca, Hải Phòng 4 ca, Điện Biên và Hưng Yên cùng có 3 ca, Bắc Giang và Hoà Bình đều 2 ca, Hà Giang 1 ca. Tuy diễn biến nghiêm trọng và phức tạp, song chúng ra cũng đã chặn đứng được “làn sóng” lây nhiễm này và đáng nói là không có trường hợp nào tử vong.

Đợt lây nhiễm Covid-19 hiện nay, bắt đầu với ca “siêu lây nhiễm” bệnh nhân 2899, sẽ diễn biến thế nào? Khó có thể khẳng định điều gì vào lúc này, nhưng có thể thấy rằng đợt dịch hiện nay diễn biến phức tạp và khó lường với các “ổ dịch” ở Hà Nam (ca “siêu lây nhiễm” 2899), ở Yên Bái (các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc) và đáng lo ngại nhất là “ổ dịch” tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) với chùm ca bệnh 42 trường hợp liên quan tới 14 tỉnh và thành phố.

Bịt ngay “lỗ hổng” lây nhiễm chéo trong bệnh viện, khu cách ly

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới, nhất là các nước láng giềng có chung đường biên giới, chúng ta coi ngăn chặn các ca bệnh từ bên ngoài vào là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, những ca bệnh Covid-19 mới ghi nhận trong đợt dịch hiện nay lại từ các khu cách ly tập trung, người hết hạn cách ly tập trung và đáng lo ngại nhất là từ chính bệnh viện khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 trở thành “ổ dịch” Covid-19 lớn nhất hiện nay.

Cùng với phát hiện sớm để ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh tiềm tàng từ các ca nhập cảnh trái phép, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung và cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19, hiện đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không kém. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, qua sự việc cách ly của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có một số bài học được rút ra, trong đó môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường này là một trong những bài học cần phải đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn...

Về việc xảy ra lây nhiễm chéo bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương sơ sở 2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo đánh giá, có thể lây giữa các khoa trong bệnh viện và cũng có thể lây từ người nhà bệnh nhân. Nguyên nhân lây nhiễm chéo tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương sơ sở 2 hiện đang được các cơ quan chức năng đánh giá, làm rõ.

Bài học đắt giá từ việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện đã có khi Bệnh viện Bạch Mai trở thành “ổ dịch” lớn nhất trong đợt lây nhiễm Covid-19 thứ hai ở nước ta. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã từng bị cách ly và quy mô của Bệnh viện Bạch Mai lớn rất nhiều so với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, vì thế ông tin rằng các địa phương sẽ khẩn trương tiến hành truy vết tìm ra những người có yếu tố tiếp xúc, có liên quan và có thể trở thành nguồn truyền nhiễm để cách ly, xử lý kịp thời theo quy định.

Vị “Tư lệnh” ngành y tế nước ta cũng thẳng thắn cho rằng, qua sự việc cách ly của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương có một số bài học, trong đó môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường này là một trong những bài học cần phải đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn. Bịt ngay “lỗ hổng”, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện và các khu cách ly tập trung, nâng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày là những nhân tố đóng vai trò quan trọng không để dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta.

Các đợt dịch diễn biến phức tạp, khó lường song với quyết tâm cao độ cùng các biện pháp đúng đắn, quyết liệt, sáng tạo, chúng ta đều đã sớm kiểm soát, ngăn chặn. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta cần tích cực, chủ động hơn với tinh thần tấn công. Trong chỉ đạo mới nhất đưa ra khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021 diễn ra ngày 5-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn.

Vì thế, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện chống dịch hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần: "Chuyển trạng thái phòng chống dịch Covid-19 từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công".