Ngăn chặn phần tử cực đoan kích động khủng bố trên mạng

ANTĐ - Trong bối cảnh căng thẳng sau một loạt các vụ khủng bố, Nghị viện Pháp đã bỏ phiếu cho phép Chính phủ Pháp khóa các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội đăng bài viết hoặc thông tin cổ vũ, kích động các hành động khủng bố. 

Ngăn chặn phần tử cực đoan kích động khủng bố trên mạng ảnh 1Internet đang được các nhóm khủng bố lợi dụng lôi kéo người dân

Quyết định trên được đưa ra trong giới hạn các biện pháp thực thi tình trạng khẩn cấp trên cả nước Pháp vừa được Hạ viện gia hạn thêm 3 tháng sau loạt vụ tấn công khủng bố đêm thứ sáu 13-11. Việc A. Abaaoud, kẻ chủ mưu trong vụ tấn công khủng bố ở Thủ đô Paris - một trong những tên tội phạm chiến tranh bị truy nã gắt gao nhất thế giới từng thuyết phục được hàng ngàn phần tử thánh chiến trẻ tuổi tới Syria thông qua mạng xã hội, khiến Chính phủ Pháp không thể chậm trễ trong mọi biện pháp ngăn chặn khủng bố.

Đến nay, đa số các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, Internet đã trở thành một trong những tác nhân khiến chủ nghĩa khủng bố kiểu mới lan rộng với những đặc điểm như phân quyền, không có các tổ chức hay bộ tham mưu thống nhất, được liên kết bằng các tư tưởng và các mạng lưới giao tiếp điện tử. 

Trước hết, mạng toàn cầu đang trở thành một công cụ hữu hiệu để những tên khủng bố liên lạc với nhau và giao tiếp với thế giới xung quanh. Vụ trùm khủng bố Bin Laden là ví dụ điển hình. Thường ẩn náu ở nơi bí mật, không có cả điện thoại lẫn Internet, nhưng sau khi bị tiêu diệt, cơ quan an ninh Mỹ đã tìm thấy một kho dữ liệu lớn hàng nghìn thư điện tử với hàng trăm địa chỉ khác nhau được Bin Laden sử dụng để liên hệ, truyền thông điệp tới mạng lưới khủng bố Al-Qaeda toàn thế giới.

Nhưng nguy hiểm nhất là nhờ Internet và mạng xã hội, các nhóm khủng bố không chỉ có thể tiếp xúc được với toàn thế giới mà còn có thể tác động một cách có định hướng tới một nhóm đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, một số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2001-2003, hàng ngàn công dân Mỹ theo đạo Hồi đã nhận được các bức thư điện tử từ các đại diện của Al-Qaeda, trong đó kêu gọi họ đoàn kết trong một cuộc thánh chiến chống lại Mỹ.

Thông qua mạng xã hội, những tên khủng bố có thể bí mật gửi đến người nhận địa chỉ các trang web có chứa thông tin hướng dẫn chi tiết cách gia nhập vào hàng ngũ những tên khủng bố, hay thông tin cơ bản về cách chế tạo các thiết bị nổ… Ngoài ra, còn có những trang web trong đó huấn luyện những tên khủng bố Hồi giáo cách tổ chức các đợt tấn công phá hoại trên mạng theo kiểu tin tặc.  

Trở lại vụ khủng bố ở Pháp, các nhà điều tra tin rằng, những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch tấn công Paris kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Một quan chức cấp cao của Mỹ còn nhấn mạnh, rõ ràng những kẻ tấn công Paris đã được đào tạo sử dụng vũ khí rất bài bản. Tất cả những công việc này được thực hiện qua mạng Internet. Hiện nhà chức trách đang có nghi vấn máy chơi game PlayStation 4 của Sony đã được các nhóm khủng bố dùng để liên lạc với nhau và lập kế hoạch tấn công Paris.

Ngăn chặn việc cổ vũ khủng bố, xây dựng lực lượng cũng như lên kế hoạch khủng bố thông qua mạng đã trở thành vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, một trong những vấn đề chính nổi lên trong cuộc đấu tranh chống lực lượng khủng bố trên mạng Internet chính là tính chất phân quyền và “rối rắm” trong cấu trúc của mạng Internet. Việc đóng cửa một trang web của đối tượng khủng bố thật ra không đem lại cho những phần tử cực đoan thiệt hại đáng kể nào. Nó  chẳng khác gì việc chặt đầu một con quái vật thì nó lại mọc thêm tới 3 đầu khác.

Nhưng khi “khối u” khủng bố đã xuất hiện thì không có cách nào khác là phải giải phẫu ngay trước khi nó có thể tiếp tục gây tác hại. Nước Pháp không có cách nào khác là phải mạnh tay ngăn chặn phần tử cực đoan lôi kéo, kích động khủng bố trên mạng.