Ngăn chặn hậu quả, tác hại khó lường của "bóng cười"

ANTD.VN - “Bóng cười” là từ dân “chơi” thường gọi cho loại bóng bay thông thường, nhưng có bơm chất khí N20 - Nitrous oxide. Khi người sử dụng hít hơi trong quả bóng, tức là hít hơi N20 vào trong cơ thể qua đường hô hấp và gây ảo giác thích cười. 

Ngăn chặn hậu quả, tác hại khó lường của "bóng cười" ảnh 1Sử dụng tràn lan "bóng cười" gây ảo giác và nguy cơ mất ANTT

Theo các chuyên gia y tế, tác động của khí N20 vào trong cơ thể có thể gây ra chứng mất cảm giác đau, mất nhận thức, hoa mắt, chóng mặt, trạng thái phấn khích, ảo giác tùy theo mức độ sử dụng. Nếu sử dụng quá liều lượng sẽ gây ảnh hưởng đến tim mạch, hệ thần kinh có thể dẫn đến hậu quả trầm cảm hoặc tử vong.

Một số chuyên gia tư vấn pháp luật cũng phân tích, Nghị định số 82/2013 NĐ - CP, ngày 19-7-2013 của Chính phủ về việc ban hành quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy thì “bóng cười” không phải là ma túy hay tiền chất. Về cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến “bóng cười”, theo pháp luật hình sự còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có cơ sở để xử lý hành chính. 

Theo Nghị định số 26/2011/NĐ - CP, ngày 8-4-2011 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ - CP, ngày 7-10-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất thì khí N20 trong “bóng cười” thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Trước thực trạng thanh, thiếu niên sử dụng “bóng cười” và việc kinh doanh khí N20 tràn lan tại các quán cà phê, bar, karaoke, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “bóng cười”, Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu chỉ huy Công an các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm một số nội dung như: Quán triệt đến CBCS nâng cao nhận thức, nắm vững đặc điểm, hậu quả tác hại và những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ANTT do sử dụng “bóng cười”. 

Các phòng nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường nắm tình hình, tổ chức điều tra cơ bản, rà soát các cơ sở kinh doanh khí N20 không có giấy phép kinh doanh do cơ quan chức năng cấp phép, không có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giám đốc CATP cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của CATP phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, cất giữ, bảo quản khí N20. Đối với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Giám đốc CATP cũng giao chủ trì phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố kiểm tra, phát hiện vi phạm trong hoạt động kinh doanh “bóng cười” vi phạm pháp luật về PCCC, phòng ngừa hậu quả do “bóng cười” gây ra. 

Cùng với đó, Giám đốc CATP yêu cầu các đơn vị CATP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ kinh doanh dịch vụ có điều kiện như nhà hàng, quán bar, karaoke, vũ trường, ký cam kết không mua bán, cất giữ, bảo quản khí N20 trái phép. Phòng Kỹ thuật hình sự tổ chức hướng dẫn các đơn vị thu giữ, bảo quản và giám định khí N20 trong “bóng cười”, để có căn cứ xử lý theo quy định. 

Đặc biệt, các đơn vị cần thiết lập “đường dây nóng”, hòm thư tố giác để thu thập thông tin tố giác, tin báo tội phạm về tệ nạn ma túy nói chung, các hành vi kinh doanh trái phép khí N20 nói riêng. Giám đốc CATP yêu cầu làm tốt công tác điều tra cơ bản, kịp thời phát hiện đối tượng có biểu hiện liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng khí N20 trái phép để kịp thời xử lý.

Tại Điều 5 chương 2 của Nghị định 163 NĐ - CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất quy định rõ: Hành vi vi phạm quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không có bảng nội quy về an toàn hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm, không có hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại khu vực sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm, không có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố tại khu vực sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong sản xuất, kinh doanh và cất giữ hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật về hóa chất.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có kho để cất giữ hóa chất nguy hiểm, trừ trường hợp kinh doanh hóa chất nguy hiểm được vận chuyển trực tiếp đến kho của bên mua.

Thẩm quyền xử phạt do UBND quận, phường thực hiện tùy theo mức độ vi phạm.