Ngăn chặn Covid-19 “hợp lực” với cúm trong mùa đông năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bước vào mùa thu đông 2020, thế giới tiếp tục đón đợt cúm thường niên, trong khi vẫn còn đang vật lộn với làn sóng đại dịch Covid-19 tái bùng phát. Nhiều người lo ngại điều gì sẽ xảy ra khi 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này kết hợp với nhau?

Covid-19 là một “trường phái” mới mà khoa học chưa thực sự hiểu hết, thế nên tác động của nó với bệnh cúm vẫn chưa được biết rõ. Và vì thế, sẽ rất khó để chuẩn bị đầy đủ khi quãng thời gian lạnh giá trong năm đã gần kề.

Tiêm vaccine phòng cúm là một bước loại bỏ nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa đông

Tiêm vaccine phòng cúm là một bước loại bỏ nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa đông

Cúm mùa làm mầm bệnh Covid-19 lây lan mạnh hơn

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây đã phát hiện sự biến đổi về cấu trúc tế bào người do virus cúm mùa gây ra có thể giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập dễ dàng hơn. Chính vì vậy, cúm mùa trở thành một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, việc đồng nhiễm cúm mùa có thể khiến tốc độ nhân bản virus SARS-CoV-2 trong tế bào người tăng gấp 10.000 lần. Cụ thể, cúm A có thể thay đổi cấu trúc nhiều tế bào người chỉ vài giờ sau khi mắc bệnh. Từ đó, virus SARS-CoV-2 có thể “lợi dụng” những biến đổi đó xâm nhập tế bào người một cách dễ dàng hơn và nhân bản nhanh hơn.

Nghiên cứu được đăng trên trang web Biorxiv.org vào ngày 21-10 cho thấy, nhóm của Giáo sư Xu Ke thuộc phòng thí nghiệm nhà nước chuyên về virus tại Đại học Vũ Hán đã thu thập tế bào người từ nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể. Bên cạnh virus gây ra cúm A, các mẫu tế bào này còn chứa một số mầm bệnh khác như rhinovirus (virus gây ra cảm lạnh thông thường), Sendai virus và enterovirus gây ra bệnh tay chân miệng. Sau khi cho các tế bào bị nhiễm các loại virus đó tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chỉ virus cúm A mới có thể làm cho tình trạng của bệnh nhân Covid-19 nặng hơn.

Vào đầu năm 2020 tại Vũ Hán - từng là nơi đầu tiên phát hiện virus SARS-CoV-2, các bác sĩ đã phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân nặng phải vào các phòng chăm sóc đặc biệt có mắc cúm A cùng lúc. Ông Sun Tieying, một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bắc Kinh đã đến Vũ Hán để hỗ trợ đại dịch, trong một báo cáo hồi tháng 5 cho biết, 20 trong số 50 bệnh nhân

Covid-19 trong khu chăm sóc đặc biệt mà ông đảm trách bị “nhiễm cúm kép”. “Dịch cúm mùa sắp tới ở phương Bắc kết hợp với đại dịch Covid-19 sẽ trở thành mối đe dọa trầm trọng tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng”, nhóm nghiên cứu của Trung Quốc cảnh báo.

Giới chức y tế ở các nước khác cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự về sự nguy hiểm của việc cùng một lúc nhiễm các chủng virus khác nhau. Hồi tháng 8-2020, Tiến sĩ Robert Redfield - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ - cho biết, nước Mỹ có thể phải đối mặt với “mùa thu tồi tệ nhất từ trước đến nay từ góc độ sức khỏe cộng đồng”.

Sẵn sàng các biện pháp phòng dịch

Vào mùa đông, virus cảm cúm phát triển mạnh vì không khí lạnh và khô tạo điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của chúng. Ngoài ra, con người thường ở trong không gian kín trong mùa đông, ít mở cửa phòng cho không khí lưu thông thường xuyên như mùa hè nên đó là hạn chế trong phòng chống các virus truyền nhiễm nguy hiểm.

Nếu chúng ta bị cảm lạnh, hãy nghỉ ngơi tại giường, uống trà nóng và thuốc ho. Cảm cúm thì đã có vaccine tiêm chủng và đó là lợi thế để phân biệt và chẩn đoán Covid-19. “Nếu những người đã tiêm vaccine phòng cúm mà vẫn có các triệu chứng cúm thì nhiều khả năng đó không phải là bệnh cúm. Điều này giúp dễ dàng quyết định các vấn đề liên quan đến cách ly tại nhà và nhận được chẩn đoán rõ ràng”, ông Gerárd Krause thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Helmholtz ở thành phố Braunschweig, miền Bắc nước Đức lý giải.

Tại Trung Quốc, người dân được khuyến khích tiêm phòng cúm A trước cuối tháng 10. Còn tại Hàn Quốc, mặc dù số người tử vong sau khi tiêm phòng cúm tại nước này hiện là 48 người nhưng chương trình tiêm phòng cúm toàn dân vẫn đang tiếp tục. Tháng trước, giới chức Hàn Quốc tuyên bố mua thêm 20% số liều vaccine phòng cúm cho mùa đông so với năm 2019, đủ để tiêm phòng cho 30 triệu người. Kế hoạch này nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải do cùng lúc phải điều trị cho cả bệnh nhân mắc cúm và bệnh nhân Covid-19. Trong thông báo ngày 24-10, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, có tới 80% số người tử vong là các cụ già trong độ tuổi 70-80 tuổi nhưng hầu hết các trường hợp nguyên nhân gây tử vong không có mối liên quan trực tiếp với vaccine phòng cúm.

Với Covid-19, có lẽ mọi người chỉ có thể hy vọng rằng nếu mắc bệnh, họ sẽ ở dạng nhẹ và ít hậu quả nhất có thể. Giải pháp chắc chắn hiệu quả là tuân thủ các quy tắc được đề xuất về vệ sinh như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang bảo vệ đồng thời thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn sự tiếp xúc với virus. Kết hợp các biện pháp này cũng sẽ làm giảm sự lây lan của 1 trong 2 hoặc cả 2 loại virus.