Ngăn chặn bạo lực trong nhà trường

(ANTĐ) - “1 năm, gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau” - Thứ trưởng Bộ    GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết kết quả thống kê của Bộ trong năm học 2009-2010 tại cuộc họp bàn  ngày 28-7 về giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đầu bài chung để giải quyết tình trạng này cũng đã được đặt ra là làm sao huy động sức mạnh toàn xã hội cùng giáo dục học sinh và tổ chức cho các em hoạt động vui chơi tích cực, lành mạnh.

Ngăn chặn bạo lực trong nhà trường

(ANTĐ) - “1 năm, gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau” - Thứ trưởng Bộ    GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết kết quả thống kê của Bộ trong năm học 2009-2010 tại cuộc họp bàn  ngày 28-7 về giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đầu bài chung để giải quyết tình trạng này cũng đã được đặt ra là làm sao huy động sức mạnh toàn xã hội cùng giáo dục học sinh và tổ chức cho các em hoạt động vui chơi tích cực, lành mạnh.

Tạo hoạt động vui chơi lành mạnh góp phần ngăn chặn bạo lực trong trường học - (Ảnh có tính minh họa)

Tạo hoạt động vui chơi lành mạnh góp phần ngăn chặn bạo lực trong trường học - (Ảnh có tính minh họa)

Kinh tế phát triển - thời gian quan tâm trẻ ít đi

Đại diện Bộ LĐ-TB và XH, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, giám đốc các sở GD-ĐT, lãnh đạo các nhà trường… đã đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Ông Trần Quang Quý cho rằng, bạo lực học đường xuất phát từ bản thân học sinh lẫn sự giáo dục trong gia đình. Ở lứa tuổi này, các em có nhu cầu thể hiện mình rất cao, sự phát triển tâm lý rất đa dạng nhưng lại chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản.

Thêm vào đó, các em không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ phía gia đình. Ông Hoàng Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB và XH, phần lớn trẻ có hành vi bạo lực đều sống trong những gia đình khó khăn, bố mẹ xao nhãng việc chăm sóc con cái hoặc tuy sống trong gia đình khá giả nhưng bố mẹ ly thân không quan tâm đến con mình. Ông Tiến nhấn mạnh, rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay, kể cả cán bộ công chức, nuôi con nhưng lại ít hiểu con, không quan tâm đến nhu cầu, yêu cầu phát triển của trẻ nên dễ dẫn đến sự phát triển lệch lạc của con mình.

Về phía nhà trường, ông Trần Quang Quý thừa nhận, chương trình giáo dục còn nặng về thành tích, quan tâm đến việc dạy văn hóa chứ chưa chú ý đúng mức đến phát triển tâm sinh lý, đạo đức lối sống học sinh. Cơ sở vật chất của nhà trường dành cho hoạt động vui chơi lành mạnh của học sinh còn chật hẹp, thiếu thốn, từ đó dẫn đến va chạm, mâu thuẫn trong học sinh. Cá biệt vẫn còn có thầy, cô giáo dùng vũ lực xâm phạm đến thân thể học sinh vì hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Tăng cường tư vấn tâm lý và dạy kỹ năng sống

Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang nhấn mạnh về sự thành công trong việc tham gia tư vấn tâm lý của cha mẹ học sinh trong nhà trường đã được áp dụng ở Tiền Giang. Theo ông, ngoài việc giữ vai trò như một lực lượng hỗ trợ nhà trường về huy động tài chính, cơ sở vật chất thì cha mẹ học sinh cần được phát huy hơn nữa trong vai trò tham gia cùng nhà trường giải quyết các vấn đề gặp phải hàng ngày của học sinh. “Nếu là Ban giám hiệu hay giáo viên tiếp cận với học sinh thì các em sẽ không thoải mái, thậm chí e ngại để phản ánh vấn đề của mình. Việc có mặt và trực tiếp lắng nghe phản ánh của học sinh tại văn phòng tư vấn của nhà trường giúp bố mẹ gần gũi hơn với con cái, đồng thời các em cũng dễ đề cập tới khó khăn của mình hơn”.

Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, một trường dân lập chuyên tiếp nhận những học sinh cá biệt của Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, để quản lý học sinh, những ngày đầu trường phải mời lực lượng công an mặc quân phục gác trường, nhưng đến nay thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trường đã lên tới 95%. Để giải quyết bài toán học sinh kém không chịu học, chỉ thích đánh nhau, trường đã tổ chức hướng nghiệp gắn với thực hành cho học sinh, dạy cho các em có động lực học, động lực sống, có trách nhiệm với cá nhân và với xã hội. 5 năm nay, trường đã dạy chương trình “Giá trị sống”, “Kỹ năng sống” cho học sinh. Kinh nghiệm này của ông Lâm đã được Phó Thủ tướng rất hoan nghênh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngay trong năm học này, các nhà trường nghiên cứu thí điểm một biên chế giáo viên tư vấn cho học sinh trong nhà trường.

Nhà trường-địa phương-công an chưa phối hợp đồng bộ

Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho rằng, sự phối hợp trong việc phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên và học sinh giữa chính quyền và công an địa phương, các trường học ở địa phương còn hạn chế, nặng về hình thức. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng sự phối hợp giữa nhà trường-địa phương-công an trước tình trạng đánh nhau của học sinh còn chưa kịp thời cũng chính là biểu hiện còn thờ ơ, cần phải được khắc phục.

Ông Trần Quang Quý đưa ra giải pháp, bên cạnh việc phải có thái độ kiên quyết, phê phán công khai và xử lý kỷ luật nghiêm đối với hành vi đánh nhau của học sinh, các trường cần thành lập “Đội an ninh học đường” nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn và ngăn chặn hiệu quả các vụ đánh nhau. Các cơ quan hữu quan phải đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động văn hóa, kiểm tra giám sát thường xuyên, không cho phép tổ chức các hoạt động giải trí, trò chơi trực tuyến hoặc lưu hành các đồ chơi, phim ảnh sách báo mang tính bạo lực, nghiêm cấm game bạo lực.

Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, việc ngăn chặn học sinh đánh nhau cũng cần được quan tâm và triển khai nghiêm túc song song với việc chống các tiêu cực xã hội khác như nghiện ma túy, bạo lực trong gia đình, bạo lực với trẻ em... Trước những ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần phải làm thế nào để huy động được sức mạnh toàn xã hội, làm cho trẻ em vui chơi tích cực, lành mạnh. Điều này, riêng Bộ GD-ĐT không làm được mà phải có sự kết hợp của nhiều bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, vì vậy Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu quan cần tham mưu cho Thủ tướng để có riêng một chỉ thị về vấn đề này.

Vinh Hương