Ngăn cản cụ 85 tuổi kết hôn - các con tung chiêu... "bẩn"

ANTĐ - Để tăng thêm sự kịch liệt, các con của cụ D. có lần còn tung tin với người dân trong vùng là do ảnh hưởng của chiến tranh nên thần kinh của cụ D. "có vấn đề", nhiều khi bỏ đi không rõ lý do hoặc đánh người khác vô cớ.

Vợ mất đã lâu, 3 cô con gái đều có gia đình ổn định, cụ Nguyễn Bá D., 85 tuổi, người Đan Phượng, Hà Nội sống một mình trong căn nhà 3 gian rộng thênh thang nên lúc nào cũng cảm thấy trống trải. Nhưng khi cụ ngỏ ý muốn đi bước nữa cho có người bầu bạn lúc tuổi già thì lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của 3 người con...

Từ sự tình cờ trên chuyến tàu hồi hương

Trong buổi chiều mùa thu mát dịu, cụ Nguyễn Bá D. trầm giọng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mình: "Tôi vốn là bộ đội chuyện nghiệp ở miền trong, xuất ngũ về hưu từ năm 1981. Khi đi bộ đội thì tôi đã có vợ và 2 con nhỏ ở nhà. Trên chuyến tàu về quê, tôi tình cờ làm quen được với cô gái thanh niên xung phong tên Nguyễn Thi Năm, cũng đang trên đường xuất ngũ về quê sau những năm tháng lặn lội ngoài chiến trường. Lúc ấy bà Năm mới 23 tuổi còn tôi đã 54". Trên chuyến tàu ấy, họ trò chuyện với nhau thân tình, không biết từ lúc nào, những câu chuyện về một thời khói lửa đã giúp họ cảm thấy như gần nhau hơn. Thật bất ngờ khi cụ D. biết được bà Năm ở ngay kế bên xã cụ nơi quê nhà. Thế là tình thân giữa họ được duy trì trong suốt những năm tháng sau này.

Vốn ở hai 2 xã sát cạnh nhau nên thi thoảng, cụ D. lại ghé qua chơi với bà Năm và ngược lại. Cũng trong thời gian này, bà Năm nên duyên với một người đàn ông nhưng mối tình đó không được như mong đợi. Chỉ ít lâu sau, bà Năm lại trở lại cảnh "chăn đơn gối chiếc". Năm 1999, vợ cụ D. qua đời. Lúc ấy, thương con còn trẻ nên cụ muốn ở vậy chăm sóc các con nên người, tránh cảnh "dì ghẻ, con chồng". Trong quãng thời gian ấy, sẵn là chỗ thân tình từ xưa, nay thương cảnh "gà trống nuôi con" nên bà Năm thi thoảng vẫn sang đỡ đần cụ D. việc nhà. Sau này, khi các con trưởng thành, đi lấy chồng ở nơi xa thì cụ D. sống một mình.

 

Vì bận công việc bên nhà chồng nên 3 cô con gái của cụ D. ít có thời gian qua lại thăm nom cụ thường xuyên. Trong khi đó, "hai thân già" cùng cảnh ngộ, lại đồng cảm và chia sẻ được với nhau nhiều điều nên hàng ngày, bà Năm vẫn thường đạp xe gần 5km để sang chơi với cụ D., giúp đỡ người đàn ông này những công việc vặt trong gia đình. Có những khi, bà Năm đến đó từ sáng, trưa ở lại ăn cơm cùng ông D. rồi đến tối mới ra về.

Ông D. tâm sự: "Lúc đó thấy cảnh già côi cút, lại có người thường xuyên qua lại bầu bạn nên tôi thấy bớt cô đơn. Thiết nghĩ: Con chăm cha, không bằng bà chăm ông nên năm 2003, tôi đã mạnh dạn đề nghị với các con được lấy bà Năm về làm vợ cho bớt cô quạnh tuổi già. Tưởng các con vui vẻ ủng hộ nào ngờ, chúng phản đối kịch liệt".

Những đòn cản trở có một không hai của các con

Các con phản đối là thế nhưng cụ D. vẫn quyết làm theo ý mình. Cụ có ngờ đâu, các con của cụ cũng không phải là người vừa. 3 người con gái của cụ hợp nhau lại nhiếc móc bà Năm thậm tệ, ông D. bảo: "Ban đầu chúng nó đến tận nhà bà Năm, nói bà ý không tốt, chỉ lợi dụng tình cảnh gia đình người khác để trục lợi cho bản thân, chỉ nhắm đến túi tiền và đồng lương ít ỏi hàng tháng của tôi. Sau lần ấy, tôi cảm thấy ái ngại và nhục nhã vô cùng, nếu như có chuyện gì thì mấy đứa có thể đến nói thẳng với tôi chứ bà ấy có tội tình gì mà lại nhiếc móc người ta như vậy. Lời đề nghị lấy cũng là do tôi nói trước cơ mà...".

Không những thế, 3 cô con gái còn lấy hết cả giấy tờ tùy thân của bố mình đem cất đi, dù cụ D. có nói thế nào cũng không trả lại. Đến khi cụ nói mãi thì cô con gái cả mới đưa cho cụ giấy chứng minh nhân dân.

Biết được việc đăng ký kết hôn trong xã sẽ gặp sự ngăn cản quyết liệt của các con, khó mà có thể thực hiện được nên cụ D. đã cùng bà Năm sang nơi bà Năm cư trú để xin chính quyền chứng thực cho làm vợ chồng. Nhưng cụ có biết đâu, không có giấy chứng tử của người vợ trước, không có sổ hộ khẩu thì không làm giấy đăng ký kết hôn được nên hai cụ lại đành dắt nhau về.

Để tăng thêm sự kịch liệt, các con của cụ D. có lần còn tung tin với người dân trong vùng là do ảnh hưởng của chiến tranh nên thần kinh của cụ D. "có vấn đề", nhiều khi bỏ đi không rõ lý do hoặc đánh người khác vô cớ.

"Thân già nhiều lúc đau yếu, mấy lần đi bệnh viện nhưng 3 đứa con gái, có đứa nào tới thăm đâu. Chỉ có mình bà Năm ở bên, chăm sóc tôi mỗi khi tôi bệnh tật. Tuy không phải là vợ chồng, nhưng trong thâm tâm hai người già chúng tôi đã coi nhau là vợ chồng từ lâu rồi. Việc đăng ký kết hôn chỉ là tôi muốn đem lại cho bà ấy chút quyền lợi sau này tôi qua đời mà thôi", cụ D. chia sẻ và cho biết thêm: "Nếu tôi còn sống ngày nào thì tôi sẽ đòi quyền kết hôn với bà Năm ngày ấy".