Ngắm thần kê 9 cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết

ANTĐ - Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao là 3 loài linh vật được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh. Hai loài kia chưa ai từng thấy, song gà 9 cựa thì... có thực.

Hiện, chưa có nhà khoa học nào khẳng định được xuất xứ chính thức của loại gà này. Dù gọi là "gà 9 cựa", nhưng thực tế chủ yếu là gà 7-8 cựa, trông cũng đã khá kỳ dị.

Ngắm thần kê 9 cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết ảnh 1

Một con gà "9 cựa"

Gà được nuôi tự nhiên bởi người Mường và Dao tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Bản Cõi được cho là nơi đầu tiên giống gà nhiều cựa này xuất hiện. Nhiều người kể rằng, họ nhìn thấy một con gà rừng khá lạ, toàn thân màu trắng, tuy tiếng gáy không khác gì gà nhà song nó có khả năng bay rất tốt. Đặc biệt, chân con gà rừng này có tới 9 ngón, mọc chen chúc trên một khẩu chân ngắn. Con gà rừng đã đạp mái với một số gà nhà. Gà nhà sau đó ấp nở ra loại gà có nhiều cựa. Tuy chúng ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng 2,5kg là dừng lại.

Về hình dáng, loại gà 9 cựa có mào đỏ như máu, lông đuôi cong vút và rất mảnh, chân vàng rơm. Gần giống như gà chọi, chúng có cặp mắt tinh anh và không sợ người, ngay cả khi bị giữ chặt. Do có sải cánh rộng, chân ngắn nên chúng bay rất tốt.

Điểm kỳ dị nhất của loài gà này là mỗi bên chân có nhiều cựa. Độ ngắn dài khác nhau, các cựa này mọc theo hàng. Vũ khí sắc bén nhất của chúng là chiếc cựa trên cùng có cấu tạo toàn sừng, mọc vút cong như nanh lợn rừng. Nhiều người nuôi gà ở xã Xuân Sơn cho biết, trong cùng một lứa gà ấp ra, có con thì 7-8 cựa, có con còn không có cựa nào. Nếu có, ngay từ nhỏ đã có thể thấy các cựa nhô ra thành mấu ở khẩu chân của con gà.

Gà nhiều cựa có 2 dòng, mỗi chân có 3 cựa hình tam giác gọi là lục đinh; còn mỗi chân có 5 cựa nhưng một cựa lép mới chính là giống gà 9 cựa. Loại cựa này hình tròn chứ không phải hình tam giác. 

Thịt gà 9 cựa đặc biệt thơm ngon, đậm đà. Khi đặt trên mẹt tre hấp cách thủy, ăn cùng bánh dầy thì chính là một đặc sản của đất Vua Hùng.