Cây bút Đỗ Phấn:

Ngẫm nghĩ và xót xa

ANTĐ - Khi đầu sách thứ 8 của Đỗ Phấn ra mắt bạn đọc, trong đó có 3  cuốn tiểu thuyết xuất bản dồn dập gần đây thì nhiều người mới giật mình nhận ra, ngoài một Đỗ Phấn họa sĩ còn có một Đỗ Phấn nhà văn. Sinh ra và lớn lên ngay bên bờ hồ Gươm, tâm điểm của Thủ đô, những vấn đề của một đô thị hiện đại luôn là những trăn trở trong các sáng tác của Đỗ Phấn với tâm thế của người trong cuộc.

Ngẫm nghĩ và xót xa ảnh 1
Với Đỗ Phấn, vẽ là nghề, văn là nghiệp


Cú hattrick tiểu thuyết

Năm 2010, làng văn xôn xao chuyện giải tiểu thuyết bỗng bị ách lại không rõ lý do khi đã tìm được ba cuốn về đích là “Tiền định” của Đoàn Lê, “Vắng mặt” của Đỗ Phấn và “Thể xác lưu lạc” của Tiến Đạt. Lúc này, bên cạnh việc cầm cọ, Đỗ Phấn cũng đã in tới 5 đầu sách, cả truyện ngắn và tản văn, nhưng với thể loại tiểu thuyết thì đây là cuốn đầu tiên.

Thường với mỗi người viết, khi đã chọn tiểu thuyết có nghĩa là đứng trước một thách thức, và bao giờ cũng có những quãng nghỉ lấy hơi nhất định. Thế nhưng sau đó không lâu, lại thấy Đỗ Phấn ra tiếp tiểu thuyết thứ hai có tên gọi “Chảy qua bóng tối”, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Và gần như ngay sau đó tiểu thuyết thứ ba bất ngờ hiện hình với số trang hơn ba trăm được in bởi Nhà xuất bản Phụ nữ. Cú hattrick tiểu thuyết của Đỗ Phấn khiến người ta ngỡ ngàng. Còn tác giả của nó vẫn đôi kính mắt tròn đứng từ xa nhìn các sự kiện văn học, chỉ thi thoảng bàn trà quán nhậu ngồi với mấy bạn văn thân thiết. Ra đời tiểu thuyết liên tục nhưng không ra mắt, không họp báo, không thông cáo báo chí, trừ tiểu thuyết “Vắng mặt” do Bách Việt đứng ra tổ chức, bởi Đỗ Phấn là người không thích rùm beng. Đỗ Phấn nói anh chỉ đủ thời gian và sức lực để quan sát các sự kiện văn chương mà thôi. Không tham dự các sự kiện văn chương, anh cũng ít lai vãng đến làng văn. Nhưng như vậy không có nghĩa là anh đơn độc. Bên cạnh Đỗ Phấn vẫn có những người bạn để anh chia sẻ.

Với việc ra sách ồ ạt, nhiều người đã nghĩ ở anh con người văn chương đang lấn át con người hội họa, nhưng trước “nghi vấn” này, Đỗ Phấn đã phủ nhận. “Tôi viết ít hơn vẽ rất nhiều. Đơn giản vì đều đặn và đúng giờ là cầm bút vẽ, kể cả lúc có ý tưởng và không có ý tưởng. Còn viết thì không như thế…”. Với Đỗ Phấn, vẽ là nghề còn văn chương, có lẽ là nghiệp.

Trước những lỗ hổng của văn minh đô thị

Có thể nói ít người theo đuổi, tha thiết với đô thị, nhìn nhận các vấn đề của đô thị một cách thấu triệt, mổ xẻ, tiên đoán, bắt bệnh cho nó nhiệt thành và tận cùng như Đỗ Phấn. Ở các tiểu thuyết của anh, người ta thấy một đô thị đang vỡ ra, đang bị cày xới, xáo trộn trong cuộc chiến giữa phát triển và hệ lụy, giữa bản thể và những lai tạp nhố nhăng. 

Dải đất ven sông Hồng chảy qua Hà Nội luôn là cảm hứng, là bối cảnh để Đỗ Phấn dựng nên những câu chuyện văn học, và nó đã trở đi trở lại trong những sáng tác của anh. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Đỗ Phấn thừa nhận: “Thời niên thiếu và cả về sau này nữa, mảnh đất ven sông vẫn là nơi thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất. Ở đấy có thể nhìn thấy rất rõ sự vận động của một đô thị đang hình thành. Thành phố nào cũng có những vùng đất nhá nhem bên lề, chẳng cứ ở ta mà Mỹ cũng vậy, như Bronx và Queens ở cạnh New York. Không hẳn là một đối cực với trung tâm thành phố nhưng đó là những mảnh đất có nhiều chuyện không lý giải được bằng luật lệ thông thường. Vừa ao ước trở nên thành phố vừa âm thầm hủy hoại những quy tắc thị dân…”. 

Đọc Đỗ Phấn, người ta cũng dễ hình dung đến những người của Hà Nội muôn năm cũ với những lịch lãm, phép tắc mà giờ đây với tầng lớp thị dân mới dường như đã trở nên xa xỉ. Những trang văn của anh dễ khiến người đọc nghĩ đến những kẻ lạc thời, luôn tin tưởng tuyệt đối và thành kính vào những giá trị đã được định hình, được vun đắp hàng trăm năm nhưng giờ đây bỗng trở thành những thứ dành cho kẻ hoài cổ, rỗi việc. 

Quả Đỗ Phấn có vẻ giống một kẻ “rỗi việc” thật. “Rỗi việc” ngồi nhặt nhạnh, ngẫm nghĩ và xa xót trước những lỗ hổng của văn minh đô thị. Trong những sáng tác của anh thường xuất hiện rất nhiều câu hỏi, những câu hỏi tự vấn, những câu hỏi của kẻ ngơ ngác không thể hiểu nổi tại làm sao lại ra nông nỗi ấy. Qua những gì Đỗ Phấn viết tôi cứ liên tưởng đến bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên với câu hỏi tiếc nuối và xa xót “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?”. Nếu như trong thơ, Vũ Đình Liên đã gửi gắm niềm trăn trở ấy thì Đỗ Phấn cũng giãi bày nỗi trăn trở tương tự ở lĩnh vực văn xuôi.