Nga vạch “lằn ranh đỏ” trong vấn đề an ninh với Mỹ và NATO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nga đã chính thức vạch “lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Mỹ và khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm tìm lối thoát khỏi tình trạng đối đầu căng thẳng hiện nay giữa hai bên, đồng thời cảnh báo về những biện pháp đối phó trong trường hợp các đề xuất của mình bị từ chối.

Đề xuất 8 điểm của Nga nhằm ngăn chặn một “kịch bản quân sự”

Chỉ 2 ngày sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Karen Donfried tại Mátxcơva, Nga đã chính thức đặt lên bàn của Mỹ và NATO những đề xuất an ninh mà Mátxcơva mô tả là nỗ lực nhằm biến một “kịch bản quân sự” tiềm tàng thành một “tiến trình chính trị”.

Những đề xuất này, được công bố mà không tham khảo ý kiến trước với Mỹ và NATO, bao gồm 8 điểm với một loạt yêu cầu liên quan đến vấn đề an ninh. Nổi bật nhất là yêu cầu NATO cam kết “tự kiềm chế không mở rộng về phía Đông, bao gồm kết nạp Ukraine và các nước khác”, không triển khai quân đến các quốc gia chưa từng có lực lượng NATO hiện diện trước năm 1997 như Ba Lan, Hungary, CH Czech, các nước Baltic thuộc Liên Xô trước đây. Nga cũng hối thúc Mỹ loại bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu, tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga…

Đây có thể coi là sáng kiến của Nga nhằm tháo bỏ căng thẳng trong mối quan hệ với NATO mà Mátxcơva cho rằng đã đến mức không còn có thể “phớt lờ” hay bày tỏ quan ngại. Thời gian gần đây, quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO nóng dần bởi vấn đề Ukraine. Mátxcơva phản đối việc kết nạp Ukaine vào NATO, đồng thời cáo buộc Washington hậu thuẫn Kiev để nước này có hành vi gây bất ổn và chuẩn bị tấn công lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Ngược lại, Washington cảnh báo Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine, đồng thời de dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn trong trường hợp Mátxcơva động binh, kể cả việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế toàn cầu.

Tầu ngầm hạt nhân K-442 Chelyabinsk có khả năng mang tên lửa siêu thanh Zircon

Tầu ngầm hạt nhân K-442 Chelyabinsk có khả năng mang tên lửa siêu thanh Zircon

Thực ra, không phải “điểm nóng” Ukraine hiện nay mà từ lâu quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đã trong tình trạng đổ vỡ và đối đầu. Còn nhớ, trước khi Liên Xô tan vỡ, trong các cuộc gặp với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, Tổng thống Mỹ George W. Bush (cha), Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Thủ tướng Đức Helmut Kohl đều hứa sẽ không kết nạp các nước thuộc Hiệp ước Warsaw vào NATO.

Thế nhưng, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, đến năm 1994, NATO bắt đầu khởi xướng chương trình “Đối tác vì hòa bình” hợp tác với các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. Sau đó, lần lượt các nước Đông Âu như Ba Lan, CH Czech, Hungary, Bulgaria, Romania, rồi các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây như Estonia, Latvia và Litva chính thức gia nhập NATO. Chưa dừng ở đó, đến Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Romania, NATO còn tiến thêm một bước nữa khi lên kế hoạch tiếp nhận Ukraine và Gruzia thành thành viên của liên minh này trong tương lai.

Sự thất hứa của Mỹ và NATO đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong bài phát biểu gây chấn động dư luận tại Hội nghị an ninh châu Âu năm 2007. Nga cũng cáo buộc NATO đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của tất cả quốc gia thành viên Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) là “không tăng cường an ninh của mình bằng cách hy sinh an ninh của các quốc gia khác”.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong đề xuất an ninh mà Nga vừa công bố, vấn đề NATO mở rộng được đặt ra đầu tiên và mang tính tiên quyết. Mátxcơva cũng cảnh báo rằng, việc NATO liên tục tiếp cận và quân sự hóa gần biên giới Nga bằng cơ sở hạ tầng quân sự và nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả những loại hiện đại nhất, tầm xa và có độ chính xác cao, là yếu tố gây mất ổn định châu Âu, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng mới giống như cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sự kiện từng đưa Mỹ và Liên Xô đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Sẵn sàng chuyển sang “chế độ thiết lập chống lại các mối đe dọa”

Không chỉ nêu lên những đề xuất với Mỹ và NATO, Nga còn cảnh báo nếu các đề xuất của mình không được chấp nhận, Mátxcơva sẽ chuyển sang “chế độ thiết lập chống lại các mối đe dọa”. Dù tiềm lực kinh tế thua xa Mỹ nhưng Nga vẫn là cường quốc quân sự và nước này có nhiều “con bài” nặng ký để buộc phương Tây phải tính toán thận trọng.

Theo các chuyên gia quân sự, nếu như NATO triển khai quân đến Ba Lan, Nga có thể trả đũa bằng cách triển khai các tên lửa hành trình đất đối đất 9M729 (SSC-8) đến vùng lãnh thổ phía Tây thuộc châu Âu. Với tầm bắn gần 5.500km và hành trình bay phức tạp, tên lửa hành trình 9M729 được coi là mối đe dọa không thể đối phó đối với Mỹ và đồng minh châu Âu. Hồi tháng 4-2018, Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, từng thừa nhận 9M729 có thể đánh bại mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi được phóng với số lượng lớn.

Một loại vũ khí mới nữa của Nga cũng khiến Mỹ và NATO phải bận tâm là Zircon - tên lửa hành trình siêu thanh đầu tiên trên thế giới có khả năng thực hiện bay khí động học trong thời gian dài và cơ động trong các lớp khí quyển dày đặc bằng cách sử dụng lực đẩy của động cơ riêng trong suốt hành trình. Với tốc độ đạt tới Mach 9 và tầm bắn hơn 1.000km, tàng hình, có thể phóng từ cả trên bộ, trên không, trên biển, tên lửa Zircon được cho có thể làm đảo lộn cán cân sức mạnh thế giới bởi gần như không thể đánh chặn.

Nga cũng đang gấp rút hoán cải các tàu ngầm hạt nhân K-442 Chelyabinsk và K-132 Irkutsk để có thể mang tên lửa hành trình Zircon, đồng thời bắt đầu xây dựng các căn cứ để cất giữ và bảo dưỡng tên lửa siêu thanh Zircon. Các cơ sở như vậy sẽ được xây dựng cho cả 4 hạm đội là Phương Bắc, Baltic, Biển Đen và Thái Bình Dương. Trong đó, Hạm đội Phương Bắc, hoạt động tại các vùng biển Barrel và Na Uy, Bắc Cực, Đại Tây Dương, sẽ được nhận loại tên lửa này đầu tiên.

Trước mắt, các đề xuất an ninh của Nga đã được Mỹ chuyển cho các đồng minh cũng như các đối tác châu Âu để thảo luận. Các quan chức ở Washington tỏ ra cởi mở đối thoại ngoại giao về những lo ngại an ninh của Nga nhưng nhấn mạnh bất kỳ cuộc thảo luận nào cũng sẽ bao gồm những lo ngại an ninh của NATO đối với Nga. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg từ chối đáp ứng đề nghị của Nga về việc loại bỏ khả năng kết nạp Ukraine. Ông Jens Stontenberg tuyên bố: “sẽ không bao giờ thỏa hiệp về quyền của những quốc gia có chủ quyền như Ukraine trong việc lựa chọn con đường của riêng mình và trên nguyên tắc, chỉ có Ukraine và 30 nước thành viên NATO mới có quyền quyết định khi nào thì Ukraine sẵn sàng gia nhập liên minh”. Trong bối cảnh đó, những cuộc thảo luận của Nga với Mỹ và NATO trong tương lai được dự báo là sẽ không dễ dàng.