Nga tuyên bố có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại Crimea

ANTĐ - Ngày 11-3, giám đốc Cơ quan Không phổ biến và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov tuyên bố, nước này có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại bán đảo Crimea, nhưng hiện chưa có kế hoạch thực hiện việc này.

Ông cho biết tại một cuộc họp báo ở Moscow rằng: “Rõ ràng, nước Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, nếu họ thấy cần thiết, tại bất kỳ khu vực nào”, trong đó có bán đảo Crimea nằm cạnh biển Đen mà nước này đã sáp nhập từ Ukraine hồi tháng 3-2014.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng: “Tôi chưa thấy có bất kỳ sự hiện diện nào của vũ khí hạt nhân ở Crimea, tôi cũng không biết gì về kế hoạch triển khai chúng ở đó, nhưng về nguyên tắc, chúng tôi cho rằng rõ ràng chúng tôi có quyền này, nhưng, tất nhiên, Kiev không tin như vậy”.

Tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết, Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại bất kỳ vùng lãnh thổ nào của mình, trong đó có Crimea.

Nga được cho là đã triển khai tên lửa Iskander tới Crimea

Đến cuối tháng đó, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland tuyên bố rằng Washington và các đồng minh của mình sẽ đáp trả mọi khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tại bán đảo này.

Là nơi có thành phố cảng chiến lược Sevastopol ở biển Đen, từng đặt trụ sở của Hạm đội biển Đen của Nga trước cuộc khủng hoảng Ukraine, Crimea gần với trung tâm châu Âu hơn rất nhiều so với bất kỳ căn cứ hạt nhân nào của nước này.

Tuyên bố trên của ông Ulyanov được đưa ra vào đúng thời điểm nhạy cảm cao trong quan hệ quốc tế quanh khu vực biển Đen sau khi hôm 10-3 các thành viên NATO là Bulgaria, Rumania và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập cùng 4 quốc gia khác, là Mỹ, Canada, Đức và Italia, tiến hành cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia tại vùng biển gần bán đảo Crimea.

Cư dân Crimea đã đi bỏ phiếu để ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 16-3-2014. Tuy nhiên, phương Tây và chính quyền Kiev đã không công nhận cuộc bỏ phiếu này và cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine. Kể từ đó, quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.