Nga tung ra 2 “kẻ thay thế” mạnh mẽ hơn tàu Mistral

ANTĐ - Với việc công bố liền lúc 2 mẫu tàu đổ bộ mới và tuyên bố thiết kế của chúng sẽ hoàn thiện trong năm 2016, Nga cơ bản đã chính thức từ bỏ thương vụ Mistral với Pháp.

Ngày 1-7, truyền thông Nga cho biết, ông Valery Polovinkin - cố vấn của Tổng giám đốc tập đoàn Nhà nước "Trung tâm khoa học quốc gia Krylov" tuyên bố, Nga đang xây dựng chương trình đóng tàu đổ bộ, với những đặc điểm, tính năng vượt trội hơn mẫu tàu Pháp “Mistral”.

Vị chuyên gia còn là cựu lãnh đạo bộ phận đóng tàu của Học viện Hải quân cho biết, hiện Cục Đồ án thiết kế Neva (PKB) đang bắt tay vào thiết kế tàu đổ bộ thế hệ mới, thuộc lớp Priboy nhằm thay thế các tàu đổ bộ trực thăng Mistral có thể không nhận được từ Pháp.

Vừa qua, bản phác thảo thiết kế tàu "Priboi" dưới dạng mô hình đã được giới thiệu tại diễn đàn "Army-2015" ở  Kubinka. Những tính năng tích hợp trong dự thảo thiết kế cho phép các tàu "Priboi" sẽ đảm bảo thực hiện thành công những nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển và đổ bộ lính thủy.

Ông Valery Polovinkin nhấn mạnh, thiết kế con tàu sẽ hoàn thiện vào cuối năm tới và Hải quân Nga sẽ chế tạo không dưới 4 con tàu "Priboi". Đặc biệt là tất cả mọi kết cấu trên tàu đều được sản xuất nội địa, kể cả hệ thống và phương tiện đổ bộ, cũng như các vũ khí, trang bị.

Mẫu thiết kế của Priboy đã được mang ra triển lãm tại gian trưng bày của Diễn đàn kỹ thuật-quân sự Nga 2015 (Army-2015) ngày 16-6 vừa qua. Mẫu tàu đổ bộ trực thăng kiểu Nga sẽ có phần mũi hơi nhọn, khác với phần mũi tàu vuông của Mistral và phần đuôi cũng có những nét khác lạ.

So sánh thiết kế của Priboy và Mistral

Theo giới thiệu, tàu đổ bộ mới sẽ có chiều dài 165m, rộng 25m, lượng giãn nước khoảng 14.000 tấn. Tàu có phạm vi hành trình khoảng 6000 hải lý với tốc độ hành trình 20 hải lý/h và thời gian hoạt động liên tục trên biển là 60 ngày.

Priboy sẽ có khả năng mang theo được 8 trực thăng Ka-27 và Ka-52K. Ngoài ra, con tàu sẽ có khả năng mang theo 4 tàu đổ bộ cao tốc Project 11770M lớp Serna hoặc 2 tàu đổ bộ đệm khí Project 12061М lớp Murena cùng 500 lính thủy đánh bộ, khoảng 40-60 phương tiện cơ giới.

Vũ khí trang bị trên tàu đổ bộ mới gồm có tổ hợp Pantsir-M (phiên bản hải quân của tổ hợp Pantsir-S1) và theo quan sát trên mô hình, tàu sẽ có 1 pháo hạm A-190 cỡ nòng 100mm.

Dù có lượng giãn nước nhỏ hơn, nhưng sức chứa và khả năng đổ bộ cũng như hỏa lực không thua kém Mistral là mấy. Có chăng chỉ là số lượng máy bay theo tàu ít hơn hẳn, khiến cho tàu lớp Priboy bị hạn chế nhiều ở khả năng đột kích thọc sâu bằng trực thăng.

Ngay sau khi mô hình thiết kế của Priboy lộ diện, các nhà thiết kế của Trung tâm khoa học quốc gia Krylov lại gây thêm một cú sốc khi tung ra mẫu tàu đổ bộ trực thăng mới không hề kém cạnh Mistral về độ lớn và khả năng chuyên chở lính hải quân đánh bộ và các phương tiện đổ bộ.

Theo tiết lộ của đại diện Trung tâm khoa học quốc gia Krylov, các kỹ sư thiết kế của họ đang phát triển một mẫu tàu đổ bộ chở trực thăng mới, định danh là Lavina, có kích cỡ nhỉnh hơn Mistral, mà lại có tốc độ cao hơn và khả năng mang tải lớn hơn các tàu lớp Mistral.

Thiết kế của Lavina (dạng bản vẽ mô hình)

So sánh 2 thiết kế của Priboy (mô hình) và Lavina (bản vẽ), có thể nhận thấy các tàu này đều được thiết kế mặt boong phẳng kiểu phương Tây, phần đuôi có nét giống Mistral nhưng phần đầu hơi nhọn chứ không vuông như con tàu đổ bộ của Pháp, kết cấu thượng tầng cũng khác.

Theo hãng tin Nga RT, tàu đổ bộ trực thăng Lavina có lượng giãn nước đầy tải 24.000 tấn, lớn hơn Priboy những 10.000 tấn, nhỉnh hơn Mistral với 21.300 tấn. Tốc độ tối đa của Lavina sẽ là 22 hải lý/h, còn Mistral có tốc độ tối đa 19 hải lý/h.

Lavina có thể chở 16 trực thăng tấn công và trực thăng chống ngầm hạng nặng, khoảng 50 xe bọc thép và 6 tàu đổ bộ, bao gồm tàu đổ bộ đệm khí và tàu đổ bộ thông thường cao tốc. Trong khi đó, Mistral chỉ mang được tối đa 4 tàu đổ bộ đệm khí và cao tốc.

Với việc công bố liền lúc 2 mẫu tàu đổ bộ mới và tuyên bố thiết kế của chúng sẽ hoàn thiện trong năm 2016, Nga cơ bản đã chính thức từ bỏ thương vụ Mistral với Pháp. Các doanh nghiệp đóng tàu nước này sẽ tự đóng các tàu chiến cỡ lớn kiểu phương Tây, theo phương pháp đóng và đấu ráp Modul.

Được biết, hồi tháng trước Pháp đã đưa ra đề nghị thanh lý hợp đồng với mức phí “bèo bọt” khoảng 890.000euro (theo đánh giá của phía Nga, ít nhất phải là 1,1 tỷ euro) và kèm theo điều kiện mà Nga cho rằng “vô lý”, là Pháp sẽ được tùy ý bán cho nước thứ 3, trong khi phần đuôi do Nga đóng và hệ thống thông tin cùng hệ thống chống đóng băng là do Nga lắp đặt.