Hà Nội

Ngã tư "công trường" Trường Chinh - Lê Trọng Tấn: Đi sao để đúng luật, chuẩn ý thức?

ANTD.VN - Những ngày qua, ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn (Hà Nội) được rào lại để thi công đường vành đai 2 trên cao, nhiều người dân khi di chuyển qua đây thay vì đi đúng chiều đường, thì lại di chuyển ngược chiều, gây nên hiện tượng xe đối đầu xe, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra.

Để phục vụ việc thi công từ trụ P88 đến trụ P94 của đường vành đai 2 trên cao, ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng chính thức được rào lại kể từ ngày 23-3-2019 cho tới ngày 19-9-2019. 

Việc ngã tư này bị rào lại, cộng thêm chiều rộng lòng đường của 2 bên bị thu hẹp xuống còn từ 9,7-13m, đã khiến thói quen di chuyển của người dân từ Tôn Thất Tùng sang Lê Trọng Tấn, từ Tôn Thất Tùng ra Trường Chinh (hướng ra Ngã Tư Vọng), từ Trường Chinh (đi từ hướng Ngã Tư Vọng) rẽ sang Lê Trọng Tấn... gặp nhiều xáo trộn, bất tiện.

Ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn được rào để thi công tuyến đường vành đai 2 trên cao kể từ ngày 23-3-2019

Để giải quyết thực trạng này, ngay từ khi tiến hành rào công trường để thi công đường vành đai 2, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã tổ chức phân luồng, dựng biển báo, mở các điểm dải phân cách, tạo điều kiện cho người dân di chuyển thuận lợi.

Biển báo cấm rẽ trái ở điểm giao giữa đường Tôn Thất Tùng và Trường Chinh

Theo đó, có 2 điểm mở dải phân cách để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân qua ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng, cụ thể như sau:

Từ Tôn Thất Tùng đi Lê Trọng Tấn hoặc đi Trường Chinh về Ngã Tư Vọng đi theo hướng Tôn Thất Tùng rẽ phải ra Trường Chinh và quay đầu tại điểm mở dải phân cách giữa trụ P93 - trụ P94.

Điểm mở dải phân cách giữa trụ P93 và P94

Từ Lê Trọng Tấn đi Tôn Thất Tùng hoặc đi Trường Chinh về Ngã Tư Sở đi theo hướng Tôn Thất Tùng rẽ phải ra Trường Chinh và quay đầu tại điểm mở dải phân cách giữa trụ P87 - trụ P88.

Từ Trường Chinh (hướng Ngã Tư Sở đi Ngã Tư Vọng) đi Tôn Thất Tùng đi theo hướng Trường Chinh, quay đầu tại điểm mở dải phân cách giữa trụ P87 - trụ P88 và rẽ phải đi Tôn Thất Tùng.

Điểm mở dải phân cách giữa trụ P87 và trụ P88

Từ Trường Chinh (hướng Ngã Tư Vọng đi Ngã Tư Sở) đi Lê Trọng Tấn đi theo hướng Trường Chinh, quay đầu tại điểm mở dải phân cách giữa trụ P93 - trụ P94 và rẽ phải đi Lê Trọng Tấn.

Tuy đã có chỉ dẫn rõ ràng như vậy từ phía cơ quan chức năng nhưng hiện tượng người dân di chuyển ngược chiều trở nên phổ biến. Ít thì 1, 2 người di chuyển ngược chiều, nhiều thì ngược chiều từng đoàn (dao động từ 10-15 người) khiến lòng đường nhỏ hẹp có hiện tượng như đường 2 chiều, xảy ra tình trạng xe đối đầu xe, xe cắt mặt xe. Do đó gây khó khăn, cản trở việc di chuyển các phương tiện giao thông di chuyển đúng chiều.

Người tham gia giao thông di chuyển ngược chiều từ hướng đường Tôn Thất Tùng vào Trường Chinh

Ông Bùi Xuân Y, cán bộ tổ tự quản phường Khương Thượng (Q. Đống Đa), người tham gia hỗ trợ điều tiết giao thông ở nút giao Trường Chinh - Lê Trọng Tấn cho biết, “Tình trạng người dân di chuyển ngược chiều tập trung vào giờ cao điểm buổi sáng (từ 6h-9h) và giờ cao điểm buổi chiều (từ 16h30-19h30)”.

Các phương tiện di chuyển ngược chiều chủ yếu là xe máy, xe đạp, trong đó nhiều nhất là xe máy. Cũng có một số trường hợp xe 3 gác cồng kềnh di chuyển ngược chiều. Qua quan sát tại điểm mở dải phân cách trước Bảo tàng Phòng không- Không quân (hay còn gọi điểm là điểm mở dải phân cách giữa trụ P93 - trụ P94) trong vòng 30 phút đã có khoảng 2.000 trường hợp người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, xe đạp di chuyển ngược chiều.

Người tham gia giao thông di chuyển ngược chiều trên đường Trường Chinh để rẽ vào đường Lê Trọng Tấn

Người dân ở đây cho biết, tình trạng đi ngược chiều qua ngã tư này xuất hiện thường xuyên, việc xảy ra xô xát, tai nạn cũng diễn ra với tần suất cao. Theo ông Nguyễn Đình Tiền (57 tuổi, Q. Đống Đa), một người chạy xe ôm trên tuyến đường Trường Chinh thì: “Việc người dân di chuyển ngược chiều qua nút giao này, xảy ra từ khi dựng rào chắn xây dựng đường vành đai 2 trên cao. Anh cứ trông đấy, người đi ngược chiều cứ đi theo từng đàn một, đông lắm”.

“Nguyên nhân là do, nếu đi thẳng thì gặp hiện tượng ùn tắc, nên họ tránh bằng việc di chuyển ngược chiều, vì lòng đường từ đường Lê Trọng Tấn trở ra phía Ngã Tư Vọng rộng và thông thoáng hơn”, ông Tiền cho biết.

Việc di chuyển ngược chiều gây nên tình trạng xe đối đầu xe, tiềm ẩn nguy cơ va chạm

Do đó, để di chuyển trên tuyến đường này an toàn, ông  Tiền gợi ý: “Người di chuyển cần phải tập trung, tuân theo chỉ dẫn phân luồng. Bên cạnh đó khi muốn chuyển hướng, chuyển làn hoặc muốn rẽ, phải đồng thời bật xi nhan và còi để người di chuyển ngược chiều biết mà tránh”.

Không chỉ ở ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn xuất hiện người tham gia giao thông đi ngược chiều, tình trạng này còn xuất hiện ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, trong đó điển hình là ở nút giao giữa phố Tân Mai và đường Trần Đại Nghĩa, đoạn đầu Cầu qua sông Sét (Q. Hoàng Mai).

Người tham gia giao thông vi phạm biển báo, di chuyển ngược chiều khi rẽ trái vào phố Tân Mai

Mặc dù cơ quan chức năng đã dựng biển báo cấm rẽ trái, nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn vi phạm để di chuyển về hướng Tân Mai, ngã tư Trương Định - Tân Mai.

Người mẹ đèo con di chuyển ngược chiều trên phố Tân Mai

Trước đó, nút giao kể trên là một điểm đen giao thông, thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng đã tiến hành dựng dải phân cách, dựng hệ thống biển báo hướng dẫn người dân di chuyển. Theo đó, để di chuyển từ đường Trần Đại Nghĩa về hướng Tân Mai, ngã tư Trương Định - Tân Mai, người dân rẽ phải qua cầu, đến điểm mở dải phân cách thuộc phố Kim Đồng mới được quay đầu.