Nga tấn công Ukraine: Không được áp dụng ‘Điều 5 NATO’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi Nga tấn công Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, Ukraine không phải thành viên NATO. Như vậy, quy chế phòng vệ tập thể trong Điều 5 NATO sẽ không được áp dụng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 tuyên bố Nga chính thức công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass của Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và đã ký các hiệp ước hợp tác với DPR và LPR.

Sáng ngày 23/2, Tổng thống Nga tuyên bố nước này mở chiến dịch quân sự nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Ukraine và NATO, đồng thời bảo vệ những người dân ở Donbass. Sau đó, quân Nga đã tiến sang lãnh thổ Ukraine.

Các nguồn tin cho biết, Nga tấn công sang Ukraine từ cả hướng đông, hướng bắc và hướng nam, với các mũi tấn công từ Crimea, Rostov (Nga), từ Belarus và từ hướng Biển Đen.

Trong bối cảnh cuộc tấn công của Nga sang Ukraine, Mỹ tuyên bố điều thêm 8 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II và 30 chiếc trực thăng tấn công AH-64 Apache để tăng cường cho sườn phía đông của NATO, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.

Nga tấn công Ukraine từ hướng Biển Đen, Crimea lên (phía nam), từ lãnh thổ Nga sang (phía đông) và từ Belarus xuống (phía bắc-đông bắc)

Nga tấn công Ukraine từ hướng Biển Đen, Crimea lên (phía nam), từ lãnh thổ Nga sang (phía đông) và từ Belarus xuống (phía bắc-đông bắc)

Ông Kirby cho biết trong cuộc họp thông tin báo chí rằng, các chiến đấu cơ tối tân này sẽ được điều chuyển từ Đức tới một số địa điểm triển khai cơ động dọc theo sườn phía đông. Còn 20 trực thăng tấn công sẽ được chuyển từ Đức đến các nước Baltic và 12 chiếc nữa từ Hy Lạp đến Ba Lan.

Ngoài ra, Mỹ đang gửi một nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn gồm 800 quân đến vùng Baltic, trong đó một số nhóm quân nhỏ trong tổng số 300 quân đã tới Latvia hôm 24/2/2022.

Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ khả năng điều quân tới giúp chính quyền Kiev chống Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 24/2 tuyên bố rõ ràng rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không gửi quân đến Ukraine để chiến đấu chống lại Nga theo bất kỳ kịch bản nào.

“Tôi không biết phải nhắc lại điều này bao nhiêu lần: Không có kịch bản nào trong đó Tổng thống Joe Biden gửi quân đội Mỹ đến Ukraine để chống lại Nga” - bà Psaki trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được các phóng viên hỏi về khả năng Mỹ đổ quân sang Ukraine để cứu đối tác quan trọng ngoài khối NATO trước “cuộc tấn công xâm lược của Nga”.

Người phát ngôn Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, Tổng thống Biden sẽ không thay đổi quyết định nói trên trong bất kỳ hoàn cảnh nào và khẳng định rằng, chắc chắn Mỹ sẽ không chiến đấu với Nga và sẽ không triển khai quân đội ở Ukraine để chống lại Nga.

NATO trong ngày 24/2 cũng khẳng định rằng, Nga đã chuẩn bị từ lâu cho cuộc tấn công Ukraine và Moscow “muốn sử dụng vũ lực để viết lại lịch sử”. Tuy nhiên, khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng không có ý định đối đầu với quân đội Nga ở Ukraine trong bất kỳ tình huống nào.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) hôm 24/2, Tổng thư ký NATO là ông Jens Stoltenberg cho biết, NATO không có kế hoạch đưa quân tới Ukraine sau khi chiến dịch quân sự của Nga nổ ra.

“Không có quân đội NATO ở Ukraine, chúng tôi cũng không có bất kỳ kế hoạch nào về việc triển khai quân đội NATO tới Ukraine”, ông Stoltenberg nói rõ và cho biết thêm rằng, mặc dù Ukraine là đối tác quan trọng của NATO nhưng nước này không phải thành viên của tổ chức này (có nghĩa là Điều 5 của NATO về phòng vệ tập thể không được áp dụng).

Ông Stoltenberg khẳng định, tất cả những động thái điều chuyển lực lượng của khối này đến Ba Lan và Baltic đơn thuần là hành động tăng cường hiện diện lực lượng ở sườn phía đông các đồng minh của NATO.