Nga-Syria: Gửi đoàn xe viện trợ tới Trại Rukban không giải quyết được vấn đề

ANTD.VN -Việc gửi một đoàn xe nhân đạo đến Trại tị nạn Rukban nằm ở khu vực At Tanf là điều không cần thiết, và không giải quyết được vấn đề, vì lãnh thổ đó hiện đang bị các nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.

Nga-Syria: Gửi đoàn xe viện trợ tới Trại Rukban không giải quyết được vấn đề ảnh 1

Những người tị nạn Syria tập trung lấy nước ở Trại Rukban

Thông báo chung của các nhân viên điều phối liên ngành của Nga và Syria ngày 6-3 cho biết: "Không nên gửi một đoàn xe nhân đạo đến Trại Rukban trong điều kiện cư dân của trại đang bị kèm giữ bởi phiến quân được Mỹ hậu thuẫn".

"Không có đoàn xe nào có thể giúp đỡ thảm họa nhân đạo đã xảy ra trong trại, và điều đó chỉ có thể được giải quyết bằng cách loại bỏ trại này”, thông báo nói thêm.

Theo thông báo, Mỹ đã trao một danh sách các "câu hỏi khiêu khích" cho Nga, và từ chối cho những người tị nạn Syria rời khỏi Trại Rukban khi Nga chưa có câu trả lời cho họ.

"Các câu hỏi là 'khiêu khích công khai', và tìm cách làm mất uy tín các hoạt động của Nga và Syria trong việc giải quyết vấn đề Rukban", thông báo chỉ rõ.

"Các hành động của Mỹ liên quan đến Trại tị nạn Rukban của Syria dường như cho thấy, Washington đang sử dụng cơ sở này để biện minh cho sự hiện diện của họ tại quốc gia Ả Rập bị chiến tranh tàn phá này", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Theo Ngoại trưởng Nga, Mỹ từ chối cho phép viện trợ nhân đạo đến Trại trừ khi đi qua các phiến quân được Mỹ hậu thuẫn.

Ông Lavrov cho biết thêm, theo một cuộc thăm dò gần đây, 95% cư dân của trại bày tỏ mong muốn được trở về nhà.

Được biết, quân đội Nga cùng với chính phủ Syria đã tổ chức hai hành lang nhân đạo để đảm bảo lối đi an toàn cho người tị nạn. Tuy nhiên, bây giờ Mỹ đang nói rằng, họ sẽ không cho phép mọi người rời khỏi trại.

Vào tháng 1-2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mô tả những người sống trong trại là "bị mắc kẹt", nói thêm rằng, họ sống "trong điều kiện tồi tệ".

"Nguồn nước hạn chế, thời tiết lạnh giá và các cơ sở chăm sóc sức khỏe hoạt động kém góp phần làm gia tăng các bệnh, bao gồm cúm, sởi, lao và các bệnh hô hấp mãn tính", WHO cho biết.

Trại Rukban, nơi có khoảng 40.000 người phải di dời, hiện là khu vực do Mỹ kiểm soát, nằm ở phía nam của Syria, cách Jordan không xa.