Nga sẽ "cất vó" hết tên lửa đạn đạo Mỹ và NATO

ANTĐ - Nga sẽ triển khai 4 hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo cực kỳ hiện đại, có phạm vi phủ sóng tới 6000km.

Vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố, đầu năm nay Nga sẽ triển khai một hệ thống radar phòng thủ tên lửa thế hệ mới nhất Voronezh-DM làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu tại thị trấn Armavir, khu vực Krasnodar, miền nam nước Nga. Hệ thống radar này được triển khai để thay thế cho trạm radar đặt ở Gabala theo hợp đồng cho thuê địa điểm có thời hạn 10 năm với Azerbaijan.

Trạm radar đặt ở thị trấn Armavir là một trong 4 trạm radar thế hệ mới nhất Voronezh-DM mà Nga mới chế tạo trong 3 năm gần đây. Hiện nay, 2 trạm đầu tiên đã được triển khai tại khu vực Lekhtusi, gần St Petersburg và Usolye Sibirskoe thuộc khu vực Irkutsk - Siberia, hệ thống Voronezh-DM thứ 3 được đưa vào phục vụ năm 2011 tại Kaliningrad. Đây là trạm có vị trí chiến lược và nhiệm vụ quan trọng nhất, chịu trách nhiệm đưa racung cấp cho Nga lời giải các bài toán về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO ở châu Âu.

Radar Voronezh-DM có phạm vi giám sát tới 6000km 

Mỗi một hệ thống radar Voronezh-DM có phạm vi giám sát khoảng 6000km, được mệnh danh là “radar siêu đường chân trời”, nó có thể giúp Nga phát hiện ngay từ đầu các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, cận xa phóng lên từ lãnh thổ của đối phương và các loại tên lửa đạn đạo tầm xa xâm nhập vào vùng phủ sóng của nó. Hệ thống Voronezh-DM có thể nhanh chóng triển khai đến địa điểm mới để phòng chống các biện pháp phá hoại radar của địch, đồng thời có số lượng nhân viên thao tác ít hơn rất nhiều so với các hệ thống radar thế hệ trước. Căn cứ vào công bố của quan chức quân sự Nga, hiện hệ thống radar sử dụng để triển khai ở thị trấn Armavir vẫn đang được thử nghiệm nhưng dự kiến phạm vi giám sát của nó có thể bao quát một không gian cực kỳ rộng lớn bao gồm các quốc gia: Pháp, Tây Ban Nha, Algeria, Sudan, Iran, Afghanistan và một phần của Ấn Độ và Pakistan.

Với 4 trạm radar Voronezh-DM triển khai trên 4 hướng thuộc các khu vực trọng yếu của mình, Nga đã xây dựng thành công một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo cực kỳ hiện đại. Các chuyên gia quân sự thuộc Bộ tư lệnh phòng thủ không gian Nga cho rằng, với hình thái bố trí này, “con kiến cũng khó lọt” chứ đừng nói là các loại tên lửa đạn đạo nặng hàng chục tấn và có tốc độ bay chậm của Mỹ và NATO. Nếu Mỹ và NATO sử dụng chúng để đối phó với Nga, các hệ thống radar này sẽ "cất vó" tất cả các loại tên lửa đạn đạo này một cách dễ dàng.