Nga: Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ làm an ninh ở châu Âu xấu đi

ANTD.VN -TASS ngày 26-11 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, Hiệp ước Bầu trời mở là một trong những thỏa thuận an ninh xương sống ở châu Âu, và việc Mỹ rút khỏi nó sẽ làm phức tạp nghiêm trọng tình hình trong khu vực.

Nga: Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ làm an ninh ở châu Âu xấu đi ảnh 1

Máy bay ném bom chiến lược Nga tuần tra biển Barents, Na Uy và Bắc Hải

"Đây là một trong những thỏa thuận xương sống, quan trọng nhất trong lĩnh vực an ninh quân sự châu Âu. Một số thỏa thuận không được nói đến rộng rãi nhưng tầm quan trọng của chúng từ quan điểm về tình hình quân sự nói chung là không thể phủ nhận. Sẽ rất tệ cho an ninh của châu Âu nếu Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước này với lý do được họ tự nghĩ ra, và không có lý do nào thực tế cả", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói.

Nhà ngoại giao Nga đồng thời lưu ý rằng, các kết quả kiểm tra trên không đều có giá trị cho tất cả các quốc gia ký kết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-10-2019 đã ký những văn kiện liên quan đến việc Washington dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Hiện chưa rõ Nhà Trắng đã đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này hay chưa khi các vòng tham vấn vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, sự kiện được nhận định có nguy cơ dẫn tới sự đổ vỡ của một trong những biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng tại châu Âu sau Chiến tranh Lạnh vốn đã tồn tại gần 3 thập kỷ qua.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào tháng 3-1992 tại Helsinki (Phần Lan) và có hiệu lực năm 2002. Hiện có 34 quốc gia thành viên tham gia văn kiện này, bao gồm Nga và phần lớn các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiệp ước cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau nhưng phải thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi, từ đó giúp tăng cường tính minh bạch, hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, mở rộng khả năng ngăn chặn xung đột và quản lý các tình huống khủng hoảng.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm từ Nhà Trắng cho rằng, hiệp ước tạo điều kiện thuận lợi cho Nga có cơ hội thu thập thông tin tình báo của Mỹ. Ngoài ra, một số chuyên gia và quan chức chính quyền Mỹ lập luận, văn kiện đã không còn hữu ích do sự vi phạm của Mátxcơva khi Nga áp dụng các hạn chế đối với những chuyến bay quan sát nhất định trên bầu trời Kaliningrad, một vùng lãnh thổ của Nga trên biển Baltic cũng như các chuyến bay gần biên giới tranh chấp giữa Nga và Gruzia.

Đáp lại, năm 2016, Mỹ đã không cho phép Nga bay quan sát trên khu vực của Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii và các địa điểm đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Fort Greely, bang Alaska. Mới đây nhất, Washington cáo buộc Mátxcơva ngăn cản Mỹ và Canada thực hiện bay giám sát ở khu vực đang diễn ra tập trận thuộc miền Trung nước Nga vào ngày 20-9 vừa qua.

Trong thời gian dài, Hiệp ước Bầu trời mở được coi là công cụ giám sát lẫn nhau của cả Nga và Mỹ. Văn bản này đặc biệt hữu ích cho Mỹ và châu Âu trong việc giám sát các hoạt động của quân đội Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Bên cạnh đó, mục đích của hiệp ước cũng bao gồm cả ý nghĩa tốt đẹp khi các bên hợp tác chia sẻ dữ liệu thu thập được lẫn chi phí cho hoạt động này.