Nga lập 2 căn cứ quân sự Hmeymim/Tartus: Trước cứu Syria, sau hùng cứ Trung Đông

ANTD.VN - Một nghị sĩ Ai Cập vừa tuyên bố rằng, việc Nga thành lập căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Syria làm cân bằng cán cân lực lượng, vì lợi ích chung của cả khu vực.

Tướng Hamdi Bhit - thành viên Ủy ban nghị viện về an ninh quốc gia Ai Cập ngày 11/10 tuyên bố, kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân thường trú tại Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Syria của Nga sẽ phục vụ lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực.

"Việc lập ra căn cứ của Nga ở Tartus sẽ không làm mất cân bằng cán cân lực lượng, mà ngược lại, sẽ góp phần đảm bảo an ninh trong khu vực Đông Địa Trung Hải và cả khu vực Trung Đông” - viên tướng kiêm quan chức quốc hội Ai Cập cho biết.

Vị tướng này nhận định, các nước ở Đông Địa Trung Hải không thể để vùng biển chiến lược này rơi vào tay của một thế lực hoặc của một quốc gia thiếu thiện chí nào đó, sự hiện diện của Nga sẽ đảm bảo an ninh cho tất cả các nước trong khu vực này.

Ông lưu ý rằng, trong thời gian qua, Cairo cũng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình ở vùng biển phức tạp này, trong bối cảnh sự chia rẽ đang làm suy yếu sức mạnh của cộng đồng các quốc gia Ả Rập, khiên họ không thể hình thành một đội ngũ quân sự thống nhất.

Nga đã chính thức hiện diện quân sự thường trực ở Syria để đối phó với Mỹ-NATO

Ông Hamdi Bhit nhận định, trong bối cảnh rối ren này, chỉ có những nước mạnh mới được tôn trọng và tham khảo ý kiến trước đưa ra quyết định, do đó, Ai Cập đang cố gắng trở thành một thế lực có tiếng nói đáng được tôn trọng trong khu vực và điều này trùng với ý định của Nga.

Ông Bhit bày tỏ quan điểm rằng, tình hình Syria hiện nay đang diễn ra những sự kiện mang tính bước ngoặt, rất cần sự phô trương lực lượng quân sự mạnh mẽ nhằm đạt được giải pháp chấm dứt nội chiến, mang lại hòa bình cho đất nước này trong tương lai gần.

Vị tướng Ai Cập đưa ra bình luận này trong bối cảnh Nga vừa quyết định hiện diện quân sự vĩnh viễn tại Syria, bằng cách xây dựng căn cứ không quân thường trực ở sân bay quân sự Hmeymim (nằm trong sân bay quốc tế Bassel al-Assad) và nâng cấp trạm hậu cần-kỹ thuật ở quân cảng Tartus thành căn cứ hải quân tác chiến.

Về mục đích trước mắt, việc Nga bất ngờ công bố kế hoạch xây dựng căn cứ không quân và hải quân ở đây một mặt là nhằm bảo vệ Syria trước ý đồ tấn công phủ đầu mà Lầu Năm Góc đang ráo riết bàn bạc, mặt khác sẽ nâng cao vị thế của Nga trong tiến trình hòa bình Syria.

Các chuyên gia quân sự nhận định, sự hiện quân sự thường trực của Nga ở Trung Đông và Địa Trung Hải khiến cho kế hoạch lật đổ chính quyền Assad của Mỹ hoàn toàn tan vỡ, buộc Washington phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến sự ở Syria với Moscow trên thế yếu.

Vị trí chiến lược của 2 căn cứ quân sự Nga ở Latakia-Syria

Về địa-chính trị, việc tái triển khai lực lượng quân sự ở Syria sẽ khiến Nga xây chắc chỗ đứng chân ở Trung Đông, khôi phục lại tầm ảnh hưởng mạnh mẽ như thời Liên Xô, làm chỗ dựa cho một đồng minh khác là Iran, mở rộng và thắt chặt quan hệ với các quốc gia Bắc Phi như Ai Cập, Libya…

Về quân sự, việc hiện diện ở 2 căn cứ này đều nằm ở thành phố Latakia, bên bờ biển phía tây Syria (phía đông Địa Trung Hải) khiến Nga có thể thành lập một hạm đội hải quân, với đầy đủ máy bay chiến đấu và cả biên đội tàu sân bay, khôi phục được sức mạnh quân sự như dưới thời Liên Xô

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô đã duy trì Liên đội Địa Trung Hải số 5 từ năm 1967 đến 1992 để đối phó với Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ. Liên đội này bao gồm từ 30-50 tàu chiến, lúc cao điểm lên tới gần 100 chiếc trong “Cuộc chiến Yom Kippur” tháng 10-1973.

Ngoài ra, có được chỗ đứng quân sự vững chắc ở Syria sẽ giúp Nga kiểm soát chặt phần đông của Địa Trung Hải, bóp nghẹt âm mưu khóa chặt Hạm đội Biển Đen của Mỹ-NATO, đồng thời chặn đường tiếp viện của Hạm đội 5 Mỹ ở vùng Vịnh Persian, qua kênh đào Suez sang Địa Trung Hải hỗ trợ cho Hạm đội 6.