Nga không gỡ bỏ thiết bị nếu Mistral được bán cho Ấn Độ hoặc Ai Cập

ANTĐ - Trang website tin tức quốc phòng “Defence One” dẫn lời một quan chức Pháp cho biết, Moscow đã ra tín hiệu rằng các hệ thống thông tin liên lạc và điều khiển tên lửa của Nga được lắp đặt trên các tàu chở trực thăng lớp Mistral có thể sẽ không bị gỡ bỏ, nếu Ai Cập hay Ấn Độ mua chúng.

Vị quan chức giấu tên này cho biết, các quan chức Nga đã "úp mở" rằng Moscow "có thể chấp nhận việc Ấn Độ và Ai Cập tiếp nhận những thiết bị này" nếu một trong hai nước mua các tàu chiến lớp Mistral được chế tạo cho Nga.

Quan chức này còn cho rằng nếu các trang thiết bị này vẫn được giữ lại trên tàu thì nó sẽ giúp Nga duy trì liên hệ chặt chẽ với Cairo.

Hai nước đã ký hợp đồng chế tạo 2 chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral này cho hải quân Nga từ năm 2011. Tuy nhiên, Pháp đã hủy bỏ hợp đồng và chấp nhận bồi thường 949,7 triêu euro.

Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral của Pháp

Trong đó, khoảng 56,7 triệu euro là bồi thường cho các trang thiết bị do Nga chế tạo trên tàu, cũng như việc huấn luyện thủy thủ. Hồi đầu tháng này, các quan chức Nga tuyên bố rằng Moscow và Paris sẽ tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày 21-9 về việc tháo dỡ các thiết bị của Nga trên các tàu này, đồng thời nhấn mạnh rằng các bộ phận do Nga chế tạo sẽ được tháo dỡ và trao trả cho Nga vào cuối tháng 11 tới.

Pháp hiện đang nỗ lực bán các tàu sân bay chở trực thăng này cho một khách hàng mới, với việc Ai Cập được cho là khách hàng tiềm năng hàng đầu. Tuần trước, các quan chức Pháp thông báo rằng một thỏa thuận với Ai Cập "là một trong những lựa chọn quan trọng" để bán các tàu này.

Cùng với Ai Cập và Ấn Độ, một số nước khác, trong đó có Brazil, Malaysia, Arap Saudi, Singapore, Việt Nam và UAE, đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua các tàu tấn công đổ bộ chở trực thăng này. Theo một số thông tin chưa được xác nhận, khách hàng cũng sẽ được đề xuất mua các máy bay trực thăng Kamov Ka-52k của Nga được thiết kế đặc biệt để triển khai trên các tàu này.