Nga hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 mới cho Việt Nam

ANTĐ - Phát ngôn viên nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, ông Andrey Spiridonov cho biết, nhà máy sẽ tổ chức lễ hạ thủy tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thuộc Dự án 11661 thứ 3 cho Việt Nam vào ngày 27-4.

Theo vị phát ngôn trên, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga ở khu vực Volga đã hoàn thành đóng cặp tàu hộ vệ Gepard-3.9 thứ 2 cho Hải quân Việt Nam và chiếc đầu tiên thuộc cặp thứ 2 này sẽ được hạ thủy vào ngày 27-4 để bắt đầu các cuộc chạy thử trên biển.

Ông Spiridonov cho biết, buổi lễ hạ thủy tàu Gepard-3.9 sẽ có sự tham dự của phái đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam – đã đến Nga hôm 25-4, đại diện Tập đoàn Rosoboronexport, đại diện nước Cộng hòa Tatarstan, phía nhà máy Zelenodolsk cũng như các đơn vị thiết kế.

Tháng 2-2013, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã ký kết hợp đồng cấp nhà nước về việc thi công 2 chiếc tàu hộ vệ này cho Việt Nam, theo hợp đồng ký kết với Việt Nam vào tháng 10-2012. Lễ đặt ky các con tàu này đã được tổ chức vào tháng 9-2013.

Cặp tàu hộ vệ Gepard-3.9 đầu tiên trong biên chế của Hải quân Việt Nam

Theo phát ngôn viên Spiridonov, chiếc tàu hộ vệ Gepard-3.9 thứ tư cũng cơ bản được đóng xong và được dự kiến sẽ hạ thủy vào tháng 5-2016.

Trước đó, hôm 21-4, tạp chí Jane's dẫn lời ông Renat Mistakhov, Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk cho biết bên lề triển lãm quốc phòng DSA 2016 đang diễn ra tại Malaysia rằng, 2 chiếc tàu hộ vệ Gepard-3.9 này sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam vào Quý III năm 2016.

Cặp tàu hộ vệ Gepard 3.9 đầu tiên đóng cho Việt Nam được ký kết vào năm 2006. Trong năm 2011, cả 2 chiếc tàu đầu tiên này đã được bàn giao cho Việt Nam. Trong đó, chiếc thứ nhất mang tên Đinh Tiên Hoàng và chiếc thứ 2 được đặt tên là Lý Thái Tổ.

Theo Viện thiết kế Zelenodolsk, tàu hộ vệ Gepard 3.9 có trọng lượng giãn nước 2.200 tấn, phạm vi hành trình tối đa khoảng 5.000 hải lý (hơn 9.000km), thời gian hoạt động liên tục trên biển là 45 ngày.

Tàu được trang bị các loại tên lửa phòng không, chống ngầm và pháo hạm hiện đại, máy bay trực thăng, cùng các loại vũ khí chống ngầm, thiết bị thông tin liên lạc, mìn, tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E, pháo phòng thủ tầm gần 7 nòng 30mm AK-630, pháo hạm 76mm AK-176 và hệ thống phòng không tầm thấp CIWS Palma...