Nga công nhận DPR và LPR: ‘Dàn đồng ca trừng phạt’ có đánh gục nổi nền kinh tế Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nga công nhận DPR và LPR sẽ dẫn đến những lệnh trừng phạt mới của Mỹ-EU và cả G7, nhưng nền kinh tế Nga không dễ bị đánh gục như những gì phương Tây hy vọng.

Sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai tự xưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, người đứng đầu cơ cấu ngoại giao EU Josep Borrell cho biết, Liên minh châu Âu đã bắt đầu soạn thảo quyết định mới về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Theo ông này, công việc soạn thảo văn bản đã bắt đầu từ sáng ngày 22/02. Vào buổi chiều, Hội đồng đã quyết định các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các quyết định trừng phạt sẽ được đưa ra trong ngày, mà đây chỉ là một phản ứng khẩn cấp.

Ông Borrell nói trong bài phát biểu được phát trên trang web của Ủy ban Châu Âu rằng, các bộ trưởng EU sẽ thảo luận và xác định bản chất, phạm vi của các lệnh trừng phạt dựa trên các đề xuất của ông.

Hôm 21/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã điểm lại các đòn bẩy có tác động mạnh mẽ nhất đối với Nga. Theo bà, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đáp trả Moscow bằng công cụ hữu hiệu nhất - đó là các biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính.

Nga công nhận DPR và LPR là chấp nhận đương đầu với các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU
Nga công nhận DPR và LPR là chấp nhận đương đầu với các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU

Người đứng đầu EC lưu ý rằng các biện pháp hạn chế như vậy thực sự có nghĩa là Nga bị cô lập khỏi các thị trường tài chính trên thực tế. Tuy nhiên bà không nói rõ liệu điều này có đồng nghĩa với phương án ngắt kết nối của Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT hay không.

Ngoài ra, bà Ursula von der Leyen còn cho rằng các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng được sản xuất ở EU và Mỹ, Canada, Anh…, mà Nga cần để hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế.

Bên cạnh Liên minh châu Âu, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga trong lĩnh vực kinh tế, mà trọng tâm là cấm các ngân hàng Mỹ xử lý các giao dịch của các ngân hàng lớn của Nga.

Trước đó, nguyên thủ các nước G7 cũng cho biết sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt “cực nặng nề” đối với Nga, khiến nước này không thể chịu nổi nếu có những hành động gây bất lợi đối với Ukraine.

Nga đã quen sau 8 năm bị trừng phạt hậu Maidan 2014

Sự cộng hưởng của “dàn đồng ca trừng phạt” Mỹ, EU, G7…, khiến giới chức lãnh đạo phương Tây cho rằng, đây sẽ là những đòn đau giáng vào nền kinh tế vốn đã “ốm yếu” của Nga, có thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại không nghĩ như vậy.

Theo bà Natalya Safina, người đứng đầu phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Thị trường Tài chính tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSR), phương Tây đã áp đặt vô số lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ sau Maidan 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bùng phát cuộc xung đột giữa Kiev với DPR và LPR ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Thực tế áp lực trừng phạt kéo dài gần 8 năm qua đã cho thấy, Mỹ sẽ không đơn giản để đưa ra các biện pháp thực sự gây đau đớn đối với nền kinh tế Nga, vì trong trường hợp này không chỉ Nga phải chịu thiệt hại.

Ví dụ như trong suốt những năm qua, phương Tây đã nhiều lần đe dọa ngắt liên kết với Nga từ hệ thống chuyển dữ liệu tài chính liên ngân hàng quốc tế SWIFT, nhưng chưa bao giờ biện pháp trừng phạt này được áp dụng. Tình hình tương tự với mối đe dọa về việc cấm hệ thống ngân hàng Mỹ xử lý các giao dịch bằng dollars của các ngân hàng lớn của Nga.

Tuy nhiên, nếu thực sự các biện pháp trừng phạt này được đưa ra, chúng cũng không thể gây ra tác động quá lớn đến nền kinh tế Nga.

Trong những năm gần đây, Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán nước ngoài và giảm đô-la hóa một phần cả trong dự trữ quốc tế và thanh toán ngoại thương, giúp giảm bớt những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đối với đất nước.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, trong những năm gần đây, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã mở rộng danh sách các công cụ để cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các ngân hàng có thể bị trừng phạt, nhằm giảm thiểu những tác động xấu tới nền kinh tế và thị trường tài chính.

Đồng quan điểm, ông Klaus Mangold, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Knorr-Bremse, nói trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Handelsblatt rằng, thực tế các lệnh trừng phạt từ sau Maidan 2014 đến nay cho thấy, các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga là vô nghĩa.

Theo ông, những hạn chế được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea chỉ củng cố sự tự chủ về kinh tế của Nga, khi nước này đã thay đổi tỷ trọng nền kinh tế, dịch chuyển cơ cấu sản xuất để có thể thay thế hàng nhập khẩu nước ngoài bằng hàng nội địa và hiện đại hóa toàn bộ các lĩnh vực kinh tế.