Nga có thể bán Tu-22M3 cho Trung Quốc sau năm… 2020

ANTĐ - Thời gian vừa qua, Nga đã phủ nhận chuyện họ sẽ bán cho Trung Quốc 36 chiếc Tu-22M3 với giá 1,5 tỷ USD, nhưng có rất nhiều thông tin cho thấy, trong tương lai xa, Nga vẫn sẽ bán loại máy bay này cho Trung Quốc.

Về sự việc trên, tuy lãnh đạo của Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport đã lên tiếng phủ nhận, nhưng nhiều chuyên gia quân sự cho rằng: “không có lửa sao có khói?”, nhất là từ năm 2004 đến nay, 2 bên đã có nhiều động thái thể hiện “thiện ý” về thương vụ giao dịch này.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3

Business Insider cho biết, Trung Quốc rất muốn có loại máy bay ném bom chiến lược này, nhất là nếu đi kèm theo nó là loại tên lửa hành trình chống hạm tầm xa siêu âm Kh-22 (NATO gọi là AS-4 “Kitchen”). Tuy đầu tháng trước, người phát ngôn của Rosoboronexport là Vyacheslav Davidenko đã phủ nhận việc này, nhưng các chuyên gia quân sự đã nghĩ ngay đến sự kiện cuộc diễn tập “Sứ mệnh Hòa Bình 2005”.

Tuy chỉ là một cuộc diễn tập chống khủng bố bình thường, nhưng việc Nga điều động cả Tu-22M3 đã dấy lên những nghi vấn về việc cử máy bay ném bom chiến lượng mang đầu đạn hạt nhân đến chống khủng bố, khác nào “cắt tiết gà bằng dao mổ trâu?”.

Tu-22M3 ra đời vào thập niên 70 của thế kỷ trước, là loại máy bay 2 động cơ tầm bay khoảng 7000km, có khả năng mang theo 24 tấn vũ khí. Trong đó, vũ khí chính của nó là loại tên lửa hành trình chống hạm tầm xa siêu âm lừng danh Kh-22 Raduga (NATO gọi là AS-4 “Kitchen”), hiện không quân Nga còn sở hữu khoảng 150 chiếc.

Tên lửa hành trình chống hạm tầm xa siêu âm Kh-22 Raduga có khả năng
mang theo 1 đầu đạn hạt nhân

Tu-22M3 đã từng được Liên Xô sử dụng trong cuộc chiến Afghanistan và Nga sử dụng trong xung đột nam Ossetia với Georgia. Trong cuộc chiến năm 2008 với Georgia Nga đã từng mất 1 chiếc Tu-22MR. Đây thực chất là một chiếc máy bay trinh sát, có nhiệm vụ nhận biết vật thể, trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện, trinh sát tín hiệu điện tử, quay phim, chụp ảnh… để chỉ thị mục tiêu cho nhóm máy bay tiến công.

Giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Viện khoa học quân sự Nga cho biết: Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề xuất khẩu Su-35. Hiện hai bên vẫn đang đàm phán các điều khoản cuối cùng của hợp đồng, rất có thể các cuộc thảo luận về tương lai của Tu-22M3 sẽ được trao đổi xen kẽ trong quá trình đàm phán hợp đồng mua loại máy bay chiến đấu thế hệ 4+ này. Tuy vậy, ông cũng khẳng định, thời điểm bán loại máy bay ném bom chiến lược này vẫn còn xa lắm.

Theo “Kế hoạch trang bị Quốc gia đến năm 2020”, một bộ phận Tu-22M3 sẽ ngừng sử dụng, số còn lại sẽ được cải tạo và nâng cấp để sử dụng cho các nhiệm vụ “phi hạt nhân”. Tu-22M3 sẽ thay mới toàn bộ hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống dẫn đường, để sau nâng cấp nó có thể sử dụng tất cả các loại vũ khí phi hạt nhân của Nga. Đến lúc đó, không loại trừ khả năng Tu-22M3 sẽ có phiên bản xuất khẩu và việc bán ra nước ngoài mới được tiến hành.

TU-22M3 đang phóng tên lửa Kh-22 Raduga

Còn về tương lai của tên lửa hành trình chống hạm tầm xa siêu âm Kh-22, giáo sư Vadim Kozyulin khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào, loại tên lửa này cũng không xuất khẩu được. Nguyên nhân là do loại tên lửa này sản xuất theo công nghệ của những năm 70, hệ thống dẫn đường của tên lửa không chính xác lắm, khiếm khuyết này chỉ có thể được bù đắp khi nó mang đầu đạn hạt nhân.

Khi tên lửa tấn công mục tiêu, sức công phá lớn của đầu đạn hạt nhân sẽ xóa nhòa ranh giới về độ chính xác. Nếu loại bỏ đầu đạn hạt nhân, nó sẽ trở thành một loại tên lửa vô hại khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra theo quy định trong “Hiệp ước quốc tế về không phổ biến công nghệ tên lửa”, Nga không được phép bán những loại tên lửa có tầm bắn trên 300km mà Kh-22 có tầm bắn tối đa là 600km.