Nga chạy đua công nghệ tàng hình cho xe tăng

ANTĐ - Phó giám đốc tập đoàn sản xuất xe bọc thép Uralvagonzavod, ông Vyacheslav Khalitov, cho biết, 20 xe tăng Armata đang thử nghiệm không chỉ được trang bị lớp vỏ bọc thép hiện đại mà còn cả công nghệ tàng hình ưu việt.

“Công nghệ tàng hình này có tên GALS. Nó sẽ tạo ra một lớp vỏ phản xạ đặc biệt làm các thiết bị dò tìm tín hiệu nhầm lẫn hoặc không phát hiện ra chiếc xe tăng. Lớp vỏ này có khả năng đánh lừa thiết bị dò tìm dùng tín hiệu radar, quang học và tia hồng ngoại”, ông Khalitov cho hay.

Xe tăng Armata của Nga

Theo ước tính, lớp vỏ đặc biệt này sẽ giúp Armata giảm khả năng bị phát hiện đi 4 lần đối với hệ thống dò tìm bằng radar và 3 lần đối với cảm biến nhiệt.

Nga không phải là nước đầu tiên trên thế giới phát triển công nghệ tàng hình cho xe tăng. Từ năm 2011, hãng BAE Systems của Anh đã chế tạo thành công một hệ thống ngụy trang cho xe tăng mà họ gọi là “sơn điện”.

Nguyên lí làm việc của “sơn điện” khác với lớp vỏ đặc biệt trên xe tăng Nga do nó đánh lừa thị giác thay vì làm mất hoặc nhầm lẫn tín hiệu radar. Cụ thể, BAE Systems sẽ sử dụng các camera và cảm biển đặt ngoài phương tiện bọc thép để thu lại hình ảnh xung quanh. Sau khi các hình ảnh này được hệ thống máy tính xử lí và chọn ra gam màu, hình ảnh thích hợp, máy chiếu sẽ phóng hình ảnh ra lớp vỏ ngoài của xe tăng, làm chiếc xe như hòa vào môi trường xung quanh.

Các khối kim loại hình lục giác có khả năng tăng giảm nhiệt độ linh hoạt

Cách đây ít lâu, Ba Lan cũng mới ra mắt bản concept của xe tăng Obrum PL-01, được phát triển với sự giúp đỡ của BAE Systems, sử dụng công nghệ tàng hình mang tên Adaptiv. Lớp vỏ xe tăng được bao bọc bởi một lớp nhiều miếng kim loại 6 cạnh đặt sát nhau có khả năng tăng giảm nhiệt độ linh hoạt. Điều này sẽ giúp đánh lừa các cảm biến hồng ngoại, khiến quân đối phương nhầm tưởng chiếc xe tăng này chỉ là một ô-tô cỡ nhỏ hoặc không hề xuất hiện.