Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Dmitry Medvedev mới đây đã cảnh báo Washington về khả năng Moskva cung cấp vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ cần thiết để chế tạo cho các quốc gia đối địch với Mỹ.
Tuyên bố này của ông Medvedev được cho là nhằm đáp trả thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông phương Tây về khả năng Mỹ sẽ trả lại vũ khí hạt nhân cho Ukraine khi không thể bảo vệ an ninh cho Kyiv theo đúng tinh thần Hiệp ước Budapest.
Ông Medvedev khẳng định bước đi nói trên của phương Tây, dù mới chỉ ở dạng ý tưởng vẫn tỏ ra đặc biệt nghiêm trọng, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, nhất là nó xảy ra khi học thuyết răn đe hạt nhân của Nga vừa được cập nhật.
“Báo chí phương Tây đang cổ vũ đề xuất của Mỹ về việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Đây là một ý tưởng nguy hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh học thuyết mới về răn đe hạt nhân của Nga được thông qua".
"Chúng ta cần phải suy nghĩ xem ai là đối thủ tiềm tàng của Mỹ, bởi đó là những quốc gia mà chúng tôi có thể cung cấp công nghệ hạt nhân như biện pháp đáp trả”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga mô tả ý tưởng như vậy là một nỗ lực nhằm gây bất ổn tình hình quốc tế và khiến thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng căng thẳng như thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Như một biện pháp răn đe, vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung Oreshnik chính là cảnh báo cứng rắn của Nga, đó là vũ khí của Moskva có thể đưa toàn bộ châu Âu vào trong tầm ngắm.
Nhưng ở chiều ngược lại, phương Tây cũng cho rằng họ đang ở thế bị động và cần phải đáp trả khi trước đó Nga đã cung cấp vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus, tức là Mỹ có quyền làm điều tương tự với Ukraine.
Không chỉ có vậy, gần đây còn xuất hiện nhiều cáo buộc về việc Nga cung cấp công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho Triều Tiên, thể hiện qua tiến bộ rõ rệt về tầm bắn của ICBM mà Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm trong thời gian qua.
Nhưng mọi việc chưa dừng lại đây, trong bối cảnh đối đầu ngày càng gia tăng giữa Moskva và Washington, vấn đề nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân là một lựa chọn đang được Nga cân nhắc.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Sergei Ryabkov trong một cuộc họp báo đã cho biết chủ đề này đang được thảo luận như một biện pháp ứng phó trước sự leo thang thù địch từ phía Mỹ.
“Vấn đề đang được cân nhắc, tôi sẽ nói rằng tình hình vẫn còn khó khăn và cần được xem xét toàn diện trên mọi khía cạnh”, ông Ryabkov phát biểu và cho biết thêm, mọi quyết định sẽ được đưa ra có tính đến tình hình địa chính trị hiện tại.
Các chuyên gia nhận xét tình hình ngày càng tồi tệ là do sự mất lòng tin giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất. Nga coi các hành động của Mỹ, bao gồm việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và rút khỏi Hiệp ước INF là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của họ.
Trong bối cảnh nói trên, cuộc thảo luận về việc nối lại các vụ thử hạt nhân trở thành một công cụ gây áp lực đáng kể, đồng thời thể hiện quan điểm rõ ràng đó là Moskva sẵn sàng đáp trả cứng rắn nhất.