Nếu phối hợp tốt, sao dân vẫn phải ăn thực phẩm bẩn?

ANTĐ - Hàng loạt vấn đề “nóng” đang là tâm điểm của dư luận xã hội những ngày gần đây, như việc người dân bị đóng oan 3.500 tỷ đồng do chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu; đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý chất cấm salbutamol; đặc biệt là tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở miền Nam… đã được Chính phủ thảo luận, bàn biện pháp tháo gỡ tại phiên họp thường kỳ, ngày 26-3. 

Nếu phối hợp tốt, sao dân vẫn phải ăn thực phẩm bẩn? ảnh 1

1 triệu dân đang “khát” nước

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2016 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tăng trưởng trong nông nghiệp ước giảm 1,3%, ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn có nguyên nhân lớn do thời tiết diễn biến khắc nghiệt, hết rét đậm, rét hại ở miền Bắc lại đến khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, rồi khô hạn và thiếu nước ngọt tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Thời tiết khắc nghiệt không chỉ gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, khiến nông dân điêu đứng. 

Chính phủ nhận định, nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay, kết hợp với các khó khăn khác trong khai thác dầu thô, công nghiệp chế biến thì tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm nay chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này là phải dồn sức cho nông nghiệp.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là lĩnh vực trồng trọt và tình hình chắc chắn tiếp tục nghiêm trọng hơn vì đỉnh điểm của khô hạn ở miền Nam, Nam Trung bộ và Tây nguyên là tháng 4-5 hàng năm. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện có khoảng 1 triệu người ở các khu vực này đang bị thiếu nước ngọt.

Đã sai thì sẽ sửa

Những ngày qua, dư luận bức xúc chuyện người dân bị “móc túi” gần 3.500 tỷ đồng do sự “hớ hênh” trong chính sách thuế và quản lý xăng dầu của 2 Bộ Tài chính và Công Thương. Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm tra, rà soát, tổng số tiền thuế hoàn cho năm 2015 của 23 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tính đến 24-3 vừa qua là 3.475 tỷ đồng. Trừ đi số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thực chất số tiền hoàn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu còn lại là 2.434 tỷ đồng, trong đó 11 doanh nghiệp Nhà nước nắm 2.179 tỷ đồng, khoản này sau khi lập các quỹ theo quy định Nhà nước như sản xuất, khen thưởng… thì đã nộp ngân sách, chỉ còn lại 254 tỷ đồng do 12 doanh nghiệp tư nhân nắm giữ. Số tiền này rất khó để thu hồi vì… cơ chế thu hồi không có. 

Về việc những ngày qua Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có động thái đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi để xảy ra bất cập khiến người dân thiệt thòi, Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn: “Chúng tôi sai thì nhận và nhận thì sẽ sửa chứ không đổ lỗi”.

Một vụ việc khác mà dư luận cũng đang rất bất bình là việc các cơ quan quản lý Nhà nước để hàng chục tấn salbutamol (chất có thể gây ung thư) được nhập về và tuồn ra thị trường, sử dụng trong chế biến thức ăn cho lợn (chất tạo nạc), đầu độc sức khỏe người tiêu dùng.

Tại phiên họp, trình bày về vấn đề này, cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đều khẳng định, vừa qua 2 bộ đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và quyết liệt xử lý dứt điểm những tồn tại trong việc quản lý chất cấm độc hại này chứ không đùn đẩy, “đá bóng” trách nhiệm như phản ánh của dư luận. Tuy nhiên, không đồng tình với cách lý giải của 2 bộ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ ra: “Các bộ đều nói phối hợp rất tốt, nhưng thực tế dân vẫn cứ ăn thực phẩm bẩn, thế thì tốt ở đâu, tốt để làm gì, chẳng nhẽ nói dân cứ tạm ăn bẩn đi để các bộ xây dựng lộ trình?”.   

Không thể ngồi yên với vấn đề Biển Đông

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tính toán lại cân đối ngân sách; đẩy mạnh phát triển thị trường; quyết liệt cải cách hành chính.

Một nhiệm vụ khác được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý, đó là vấn đề Biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Điểm qua một số hành động mà Trung Quốc đang tiến hành trái phép trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là vấn đề mà thế giới cũng lên án, trong nước người dân rất tâm tư, do vậy chúng ta phải có động thái, hành động quyết liệt hơn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao cần nắm sát tình hình, báo cáo Bộ Chính trị, có động thái, đối sách phù hợp và tạo đồng thuận trong nhân dân. 

Đây cũng là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Sau khi phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xúc động nói lời chia tay các thành viên Chính phủ và gửi gắm nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới.