Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế:

Nếu có bài thuốc chữa được ung thư, Nhà nước sẵn sàng bảo hộ

ANTĐ - Tiếp tục thông tin liên quan đến việc lương y Phùng Tuấn Giang, phụ trách nhà thuốc Đông y Thọ Xuân Đường (Thanh Xuân, Hà Nội) đã hỗ trợ điều trị cho nhiều ca bệnh ung thư, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế.

PGS.TS Phạm Vũ Khánh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về việc này, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xác minh. “Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra Phòng khám Đông y Thọ Xuân Đường, làm việc với lương y Phùng Tuấn Giang, bản thân lương y Giang đã khẳng định không nói chữa khỏi được ung thư như trên một tờ báo mạng viết. Thực hư việc này đến đâu, chúng tôi đang chờ báo cáo của Sở Y tế Hà Nội. Phòng khám có sai phạm gì hay không phải căn cứ vào kết quả kiểm tra cụ thể chứ không thể ngồi một chỗ mà nói được và việc xử lý thế nào cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật” - ông Phạm Vũ Khánh nói. 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, việc Đông y có thể chữa được ung thư hay không cần phải xem xét, đánh giá dựa trên các kết quả nghiên cứu cụ thể chứ không thể nói một cách tùy tiện. PGS.TS Phạm Vũ Khánh chia sẻ: “Nếu một ai đó nói có phương pháp, bài thuốc chữa được ung thư thì cần phải chứng minh được qua các kết quả nghiên cứu cụ thể. Nhà nước luôn khuyến khích, ủng hộ các đề tài nghiên cứu về chữa bệnh và nếu có kết quả nghiên cứu nào khẳng định chữa thành công được ung thư, được thẩm định là đúng thì Nhà nước sẵn sàng bảo hộ, quảng bá giúp họ”.

Dưới góc độ khoa học, PGS.TS Phạm Vũ Khánh cho rằng, bản thân ông cũng từng viết một cuốn sách về điều trị một số bệnh ung thư thường gặp bằng y học cổ truyền. Ông Phạm Vũ Khánh khẳng định, việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại có vai trò quan trọng trong công tác điều trị, khám chữa bệnh nói chung, trong đó có cả bệnh ung thư.

Thực tế, có rất nhiều tài liệu cho rằng, sự kết hợp có hiệu quả giữa Đông y và Tây y trong điều trị ung thư đã được ghi nhận. Nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư sau khi đã điều trị Tây y chuyển sang Đông y hoặc kết hợp vừa điều trị Tây y vừa điều trị Đông y, lúc này thuốc điều trị mới phát huy tác dụng, dẫn đến bệnh nhân lui bệnh trong một số trường hợp. 

“Để chữa bệnh ung thư đạt được hiệu quả cần nhiều yếu tố. Một là được phát hiện sớm, gặp thầy thuốc chữa đúng phương pháp điều trị; Hai là bệnh nhân có tinh thần vững vàng, bình thản và ý chí kiên định, chiến thắng bệnh tật; Ba là sự chăm sóc của người nhà đảm bảo tốt về dinh dưỡng phục hồi thể trạng cho người bệnh. Trong đó, phát hiện bệnh sớm là rất cần thiết và quan trọng, quyết định việc điều trị bệnh mang lại hiệu quả cao. Tâm lý của người khi mắc bệnh ung thư thường hoảng loạn, khiến bệnh càng nặng thêm, do đó, tâm lý người bệnh cũng vô cùng quan trọng” - PGS.TS Phạm Vũ Khánh nói.

Cục trưởng Cục Quản lý Y học cổ truyền khuyến cáo người dân nếu cần sự hỗ trợ của Đông y trong điều trị các bệnh có thể tham khảo và đến các cơ sở Đông y tin cậy, các Khoa Y học cổ truyền của các bệnh viện để tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang.        

Năm 2014: Thế giới tốn 100 tỷ USD mua thuốc trị ung thư

Ngày càng có nhiều loại thuốc mới trị ung thư được bán ra thị trường

Công ty nghiên cứu IMS Health vừa công bố Báo cáo xu hướng ung thư toàn cầu cho thấy, trong năm 2014, toàn thế giới đã tiêu tốn số tiền khổng lồ lên tới 100 tỷ USD để mua thuốc trị ung thư.

Theo IMS Health, khoản chi này chiếm tới 10,8% trong số chi phí cho các loại thuốc trên toàn cầu, và được dự báo tăng lên đến 147 tỷ USD vào năm 2018. Quốc gia chi nhiều tiền nhất để mua thuốc chống ung thư là Mỹ, chiếm 42,2% khoản chi trên, tiếp đến là Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italia. 

Theo Giám đốc điều hành IMS Health, Murray Aitken, khoản chi này tăng do nhu cầu tăng cao, xuất phát từ việc y học tiến bộ đã tìm ra nhiều loại thuốc trị ung thư tốt hơn, tỉ lệ sống sót sau khi mắc ung thư cao hơn cũng như thu nhập người dân được cải thiện. 
Tuấn Anh
 (Theo Reuters)