Nếu chợ không còn

ANTĐ - Không khí mua sắm Tết Nguyên đán đang nóng dần lên tuy chưa phải đến lúc cao điểm. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho tết đang tấp nập, dồn dập đổ về Hà Nội. Giá cả thị trường đang rục rịch tăng với cái cớ rét đậm, rét hại. Dự báo, tổng mức bán lẻ dịp tết ở Thủ đô tăng từ 20-22% so với các tháng bình thường. Sở Công Thương thành phố đã có kế hoạch “từ xa” không để gây sốt giá và khan hàng trong dịp Tết Âm lịch. Đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp, công ty tham gia chương trình cung ứng hàng tết, bình ổn giá tại nhiều điểm trên địa bàn. Giả thử, thời tiết vẫn rét hại kéo dài tình hình giá cả hàng hóa sẽ ra sao? Liệu các siêu thị, trung tâm thương mại có “áp đảo” và kìm giá các chợ truyền thống?

Cuộc “giằng co” hàng hóa, giá cả và khách hàng giữa các siêu thị và các chợ dân sinh đang ngày càng trở nên quyết liệt, nhất là những dịp mua sắm cuối năm. Chưa có những cuộc điều tra nghiêm túc về nhu cầu cũng như tỷ lệ người tiêu dùng giữa hai “đối thủ” siêu thị - chợ truyền thống. Tiêu chí để người dân lựa chọn mua sắm giữa hai loại hình thương mại này, có lẽ xuất phát từ lương, thu nhập và mức sống của các tầng lớp dân cư đô thị. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là, những khách hàng thường xuyên bước vào siêu thị thì phần lớn đều có mức thu nhập ổn định, thuộc diện trung bình khá trở lên.

Còn các chợ truyền thống thường chỉ “hấp dẫn” những người lao động, người thu nhập trung bình thấp trở xuống. Các đợt khuyến mãi, “xả hàng” cuối năm cũng chỉ thu hút số đông tầng lớp trung lưu và rủng rỉnh tiền. Tại cuộc tọa đàm về chợ dân sinh trong đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM do Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị tổ chức mới đây, các chuyên gia đô thị đều bày tỏ mối quan ngại về hiện trạng các chợ dân sinh đang bị “xoá sổ” khỏi bản quy hoạch các đô thị mới, nhường chỗ cho các siêu thị và trung tâm mua sắm.

Một kiến trúc sư, chuyên gia tư vấn chương trình “Thành phố sống tốt” của tổ chức quốc tế Heath Bridge, nhấn mạnh rằng, không ít thành phố lớn ở các nước phát triển đang tốn tiền của để khôi phục chợ dân sinh, cho nên sẽ là sai lầm nếu Việt Nam để cho các chợ truyền thống dần biến mất. Chợ Việt Nam ở mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều mang đậm bản sắc riêng biệt, phản ánh trung thực đời sống kinh tế - xã hội nơi đó. Hơn thế, chợ còn mang cả “hơi thở” đời sống văn hóa. Từng nghiên cứu sâu về các ngôi chợ ở nước ta, kiến trúc sư cho rằng, chừng nào còn tồn tại những tầng lớp dân cư đô thị có chênh lệch về thu nhập và mức sống thì chợ dân sinh vẫn còn “đất sống”. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và trong vòng xoáy đô thị hóa, các siêu thị, trung tâm thương mại đang “thôn tính” dần các chợ.

Nhiều ngôi chợ truyền thống gắn với lịch sử, văn hóa Hà Nội, đang bị thu hẹp và biến mất. Đơn cử, chợ Cửa Nam chỉ còn lại tên, sau khi khai trương Vietinbank đã thuê lại toàn bộ biến không gian công cộng thành không gian của riêng. Chợ Hàng Da đã “lột xác” thành trung tâm thương mại, chợ ẩn xuống tầng ngầm cùng bãi chứa xe. Một giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa, Đại học Harvard đã cảnh báo, siêu thị, trung tâm đều rất lớn thì ngày càng co hẹp không gian công cộng, ít chợ cho những người bình dân. Đành rằng, chợ truyền thống, chợ dân sinh làm mất mỹ quan, mất an toàn thực phẩm không hợp với diện mạo thành phố, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, xóa bỏ thì quá dễ nhưng để giữ lại, nâng cấp một số chợ truyền thống không chỉ vì tên chợ gắn với lịch sử, mà bởi nó thực sự đáp ứng nhu cầu của bộ phận dân cư. Giữ lại, tôn tạo phải đi cùng với nhu cầu của bộ phận dân cư.

Một khảo sát của Hội Quy hoạch phát triển đô thị cho thấy, đa số người mua sắm ở đô thị là thu nhập khá. Phần lớn các bà nội trợ vẫn thích đi chợ cho bữa ăn hàng ngày, nhất là khi thực phẩm chế biến, đông lạnh, đóng hộp ẩn chứa nhiều hóa chất độc hại. Thử hình dung nếu thành phố lớn nay mai sẽ không còn bóng dáng những ngôi chợ truyền thống!