Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cùng sự đồng lòng của người dân giúp chống dịch thành công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) bất ngờ bùng phát trở lại đã khiến dư luận lo ngại. Tuy nhiên, đến nay về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch. Trong thành công đó có vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành cùng sự chung tay, đồng lòng của người dân trong cả nước.
Người dân tích cực tham gia chống dịch là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công

Người dân tích cực tham gia chống dịch là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công

Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát

Phát biểu trong phiên họp của Thường trực Chính phủ cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng chống dịch cơ bản đồng bộ, kịp thời, quyết liệt hơn, đặc biệt người dân bình tĩnh hơn. Nhận định Covid-19 còn phức tạp nhưng Thủ tướng cho rằng dịch bệnh trong tầm kiểm soát, thậm chí kiểm soát chủ động, kể cả địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn.

Một lần nữa chúng ta thấy trước một căn bệnh nguy hiểm và khó lường như Covid-19, Việt Nam đã đối phó thành công. Trong đó, trách nhiệm, sự nhạy bén cùng thái độ kiên quyết trong chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng.

Trước hết, Việt Nam là một trong số những nước đã nhận thức rõ và triển khai các biện pháp chống dịch kiên quyết từ rất sớm. Ngày 29-1-2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW yêu cầu người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.

Cuối tháng 1-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch bệnh là yêu cầu được nhắc tới trong hầu hết các văn bản chỉ đạo của trung ương. Không những thế, Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn nêu rõ sẽ xem xét kỷ luật người đứng đầu các địa phương để xảy ra tụ tập đông người. Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì cảnh báo: “Các ngành, địa phương phải vào cuộc tích cực, không được chủ quan. Đồng chí nào chủ quan phải bị xử lý nghiêm túc”.

Có thể nói, nâng cao vai trò người đứng đầu trong phòng, chống dịch đã thúc đẩy các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt vào cuộc, đưa đến những kết quả tích cực. Trong đợt bùng phát dịch lần trước hồi cuối tháng 1-2020, tỉnh Vĩnh Phúc, ổ dịch Covid-19 lớn nhất cả nước, đã nhanh chóng dập tắt được sự lây lan tại tâm dịch là xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) sau 20 ngày cách ly. Đợt chống dịch hiện nay, sau một tháng kể từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào 23-7, Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Đắk Lắk..., những nơi ghi nhận sự trở lại của dịch bệnh, cũng đã kịp thời khống chế sự lây lan của virus.

Dập dịch tại chỗ cùng sự tham gia tích cực của người dân

Trong việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch, phương châm của Việt Nam là “4 tại chỗ”: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, cùng với tinh thần quyết tâm, ý thức trách nhiệm của toàn dân. Việt Nam không phải là quốc gia có nhiều điều kiện như các nước trong cuộc chiến chống Covid-19. Chính vì thế, Việt Nam phải có cách ứng phó phù hợp. Thay vì vận chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên rất khó khăn và tốn kém, việc điều trị ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa vận chuyển vừa tiết kiệm, vừa tránh lây chéo, giảm gánh nặng cho tuyến trên mà lại có thể từng bước nâng cao năng lực cho tuyến dưới.

Trên thực tế, nắm vững phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương có dịch đã chủ động tiến hành công tác sàng lọc, ngăn ngừa, cách ly người nghi nhiễm; đồng thời tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, hạn chế tập trung ở những nơi đông người... Chính điều đó đã giúp các địa phương có dịch dập dịch thành công.

Một yếu tố nữa giúp Việt Nam chống dịch thành công là sự đồng lòng, hợp tác của người dân. Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân bởi chúng ta luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết. Sự tin tưởng của người dân đã giúp Việt Nam huy động được sức mạnh toàn dân trong phòng, chống dịch. Từ rất sớm, người dân Việt Nam đã có ý thức quan tâm đến diễn biến của tình hình dịch bệnh để đối phó kịp thời.

Không những yêu mến, ngưỡng mộ, biết ơn đối với những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, người dân còn chủ động đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời cũng sẻ chia vật chất, tinh thần với nhau để sẵn sàng khi cuộc chiến chống dịch bước vào giai đoạn cam go nhất… Có thể nói, chưa bao giờ sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của toàn dân tộc lại dâng cao như giai đoạn hiện nay.

Đánh giá về thành công trong đối phó với dịch bệnh của Việt Nam, một bài viết trên trang web của Viện Quan hệ quốc tế Australia (AIIA) cho rằng Việt Nam khống chế được sự lây lan của dịch Covid-19 nhờ huy động người dân vào việc giám sát thực hiện cách ly, cũng như nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Họ sẵn sàng hợp tác với lãnh đạo đất nước, thậm chí khi họ phải hy sinh lợi ích kinh tế.

Còn tác giả Reto Fehr trong bài viết đăng trên trang tin tiếng Đức Watson.ch của Thụy Sĩ thì đặt câu hỏi làm sao Việt Nam có thể kiểm soát dịch bệnh tốt như vậy. Trả lời câu hỏi này, tác giả Reto Fehr nêu một trong những lý do là tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân. Reto Fehr viết: “Với những khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” hay “Ở nhà là yêu nước”, các biện pháp đưa ra đều được người dân tin tưởng, tuân thủ và thực hiện”.

Với sự đoàn kết, đồng lòng của người dân; với tinh thần chủ động, tích cực, sẵn sàng “đứng mũi, chịu sào” của người đứng đầu chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương, chúng ta có thể tin vào mục tiêu của Việt Nam ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 để khôi phục nền kinh tế sẽ thành công.