Nếu bùng phát xung đột Nga-NATO: Điểm quyết chiến là 'Hành lang Suwalki' và 'Mũi dao Kaliningrad'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu xung đột Nga-NATO nổ ra, Nga sẽ tiến quân qua "Hành lang Suwalki" để chi viện cho vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad - được mệnh danh là "Mũi dao cắm trong lòng NATO".

Mới đây, nhà phân tích Sarah White từ Viện Lexington-Mỹ đã viết trong bài báo trên trang 19FortyFive rằng, các nước phương Tây có thể sẽ sử dụng phương án vô hiệu hóa Kaliningrad (Nga) trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang giữa NATO và Nga.

Bài viết lưu ý rằng, vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga giáp biên giới với Ba Lan và Litva, là nơi có thể gây “rất nhiều cơn đau đầu” cho Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, bởi nó giống như một “cái dằm trong lòng châu Âu” hoặc “mũi dao trong lòng NATO”.

Cụ thể, khu vực này được trang bị vũ khí tốt với hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật có độ chính xác cao Iskander-M và các chiến đấu cơ mang tên lửa hành trình. Ngoài ra, Kaliningrad là nơi đồn trú của Hạm đội Baltic hùng mạnh của Nga.

Do đó, phương Tây cho rằng, mối đe dọa tiềm tàng này phải được hoá giải ngay từ những đòn đánh đầu tiên.

Nhà phân tích Sarah White cho rằng, các nước thành viên NATO ở châu Âu có thể đạt được hiệu quả bằng việc mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ, xe tăng M1 Abrams và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 Lightning II.

Nếu xung đột Nga-NATO xảy ra, có thể sẽ được quyết định bởi cuộc tấn công vào Kaliningrad và Suwalki Gap
Nếu xung đột Nga-NATO xảy ra, có thể sẽ được quyết định bởi cuộc tấn công vào Kaliningrad và Suwalki Gap

Theo bài báo, nhiệm vụ vô hiệu hóa khu vực này trong trường hợp chiến tranh có thể được giao phó cho các nước láng giềng thành viên NATO là Ba Lan và Litva, tuy nhiên, đây là điều không dễ thực hiện, bởi hai nước này có thực lực quân sự không là gì so với Nga.

Litva không đủ khả năng mua vũ khí đắt tiền như vậy, mặc dù nước này rất cần được lắp đặt hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Do đó, các quốc gia châu Âu cần khẩn cấp tăng cường khả năng phòng không và vũ khí bằng cách triển khai các tổ hợp tên lửa trên lãnh thổ hai nước này, để có khả năng đối đầu với khối lượng vũ khí Nga triển khai ở đây.

Được biết, đây không phải là lần đầu giới quan chức quốc phòng hoặc các chuyên gia quân sự NATO nhắc đến tầm quan trọng của việc phải đánh phủ đầu vào vùng lãnh thổ hải ngoại này của Nga, nếu xung đột nổ ra.

Hồi tháng 5 năm 2021, chuyên gia David Axe viết trên tạp chí National Interest (NI) rằng, Lầu Năm Góc đã có kế hoạch hành động để loại bỏ tiền đồn quân sự được trang bị mạnh nhất của Nga.

Theo đó, Kaliningrad là một vùng bán tách biệt của Nga, theo đúng nghĩa đen là được bao phủ bằng các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400 Triumph, tên lửa chống hạm P-800 Onyx và hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật (tầm ngắn) Iskander.

Nhờ có khu vực này, Nga trở thành mối đe dọa của NATO "trong vòng bán kính hàng trăm dặm". Chính vì vậy, Washington không ngừng cân nhắc tìm cách làm để phá vỡ tiền đồn Kaliningrad,

Tướng Jeffrey Harrigian, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, cho biết, đòn đánh vào Kaliningrad sẽ là “một cuộc tấn công đa cấp độ, mạnh mẽ và hiệu quả”; bao hàm một cuộc tấn công đồng thời từ trên bộ, trên biển, trên không và cả trên không gian mạng.

Nhiệm vụ của các tin tặc sẽ là phá vỡ hệ thống liên lạc. Máy bay, tàu và tàu ngầm sẽ tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa, còn lực lượng lục quân cũng sẽ sử dụng hỏa lực tên lửa.

Sau đó, các máy bay chiến đấu tàng hình và máy bay ném bom tàng hình phải xuyên thủng hàng phòng thủ còn sót lại và thả bom với sự dẫn đường của hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Đòn tấn công này được tạp chí NI gọi là "một bản giao hưởng của bạo lực để phá hủy tiền tuyến", sự cộng hưởng của các đòn tấn công từ nhiều lực lượng khác nhau sẽ triệt hạ hoàn toàn cứ điểm tiền duyên này của Nga.

Ngoài việc tung đòn đánh phủ đầu vào Kaliningrad, giới quân sự phương Tây cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cái gọi là “Hành lang Suwalki” (Suwalki Gap) - dải biên giới dài hàng trăm km giữa Litva và Ba Lan, kết nối Kaliningrad của Nga với quốc gia đồng minh Belarus, là con đường bộ duy nhất để Nga có thể chi viện cho vùng lãnh thổ hải ngoại này.

Dải biên giới kéo dài này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động tấn công và phòng thủ trong tam giác Ba Lan- Litva- Belarus nên Nga đã tập trung lực lượng và phương tiện chiến đấu tốt nhất cho Quân khu phía Tây (giáp Belarus, các nước Baltic và Ukraine).

Nga mạnh về xe tăng và bộ binh và có nhiều cách sử dụng các lực lượng mặt đất trong khu vực bằng phẳng, rộng mở này. Nếu Nga kiểm soát hoàn toàn “Hành lang Suwalki”, Moscow dễ dàng cắt đứt liên hệ giữa các nước NATO Đông Âu và Baltic; chia NATO thành hai nửa bị chia cắt.

Do đó, việc tập trung binh lực để kiểm soát hoàn toàn hoặc cắt đứt Suwalki Gap cũng là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để có thể nhổ được “cái dằm trong lòng châu Âu” hay “mũi dao trong lòng NATO” này.