Nét đẹp truyền thống của làng cổ Vọng Nguyệt

ANTĐ - 4 năm 1 lần, từ ngày 11 đến 13 tháng hai âm lịch, dù dân làng Vọng Nguyệt đi làm ăn xa xứ, hay con cháu Vọng Nguyệt đi học khắp bốn phương cũng dành chút thời gian về tụ họp ở hội làng truyền thống.

Dù ai buôn Sở bán Tần

Không bằng Vọng Nguyệt chuyên cần ươm tơ.Nhắc tới Bắc Ninh, không thể không nhắc tới làng Vọng Nguyệt nằm ở bên bờ Nam sông Cầu, là vùng quê có phong cảnh thơ mộng trữ tình với một quần thể di tích đình, đền, chùa đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa. Từ bao đời nay nơi đây vẫn có nghề trồng dâu nuôi tằm gắn bó với cuộc sống và tình yêu lao động của mỗi một người dân.

Làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xưa có tên là làng Ngột Nhì. Người họ Chu đến đây khai cơ lập nghiệp đầu tiên. Sau khi ông tổ họ Chu mất, mộ ông được đặt ở đồng Đống Tranh, nhìn xuống một cái ao bán nguyệt. Do vậy, làng được đặt tên tự là Vọng Nguyệt. Vọng Nguyệt nghĩa là trông trăng, đẹp và thơ mộng đến kỳ ảo.

4 năm một lần, từ
 ngày 11 đến 13 tháng hai âm lịch, dù dân làng Vọng Nguyệt đi làm ăn xa xứ, hay con cháu Vọng Nguyệt đi học khắp bốn phương, cũng dành chút thời gian về tụ họp ở hội làng truyền thống. Đây là thông lệ từ ngàn đời nay của ngôi làng nên thơ, trữ tình này.

Trong ngày hội, có rất nhiều tốp được phân chia nhiệm vụ để rước lễ vật.

Mỗi nhóm gồm các em thiếu niên, nhi đồng, các cụ ông, cụ bà, nam nữ thanh niên sẽ có nhiệm vụ rước từng lễ vật khác nhau như, ngựa ông, ngựa bà, lọng, kiệu... Đoàn rước đi từ đình làng ra chùa và đi qua các ngõ lớn trong làng.

Đoàn rước sẽ đi từ đình ra chùa và đi qua các ngõ lớn trong làng. Ảnh: Thân Văn Cơ

Những đoàn rước nối đuôi nhau đi trong tiếng kèn trống nhộn nhịp, xen lẫn tiếng reo hò háo hức của người dân. 

Năm nay, hội làng cũng trùng với lễ khánh thành đình làng Vọng Nguyệt. Thời gian thấm thoát trôi qua hàng thế kỷ, đình làng đã ngày càng xuống cấp. Nhờ sự đóng góp của con cháu trong làng, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít nên đình làng được tu sửa lại khang trang hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính ban đầu.

Về hội làng lần này cũng là dịp để họ nhìn lại tấm lòng thành của mình dành cho quê hương chôn rau cắt rốn.

Các bậc lão thành trong làng vui vẻ thi đấu cờ người ngay trước sân đình.

“Đặc sản” của bất kỳ nơi nào thuộc Bắc Ninh luôn là những làn điệu quan họ ngọt ngào, tha thiết gieo vào lòng người nhiều xúc cảm khác nhau. Bởi vậy mà vào năm 2009, UNESCO đã chính thức công nhận Dân ca quan họ Bắc Ninh là di sản phi vật thể đại diện của Nhân loại.

Hội làng cũng là dịp để mọi người dừng mọi công việc bận rộn, gặp gỡ trò chuyện, chơi với nhau vài ván cờ vui.

Năm nay ngày hội làng đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần nên các em nhỏ có dịp vui chơi thỏa thích bên những trò giản dị, truyền thống.

Ngoài các liền anh liền chị hát quan họ tình tứ trên một khúc sông nhỏ, các hoạt động văn nghệ khác vẫn được diễn ra như hát chèo, lên đồng, cải lương…

Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như hội vật, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá…

Hội làng Vọng Nguyệt luôn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng những người dân làng và khách thập phương, khiến ai đã từng đến dự hội một lần sẽ còn muốn quay lại vào năm sau. Đây là một nét đẹp truyền thống của làng Vọng Nguyệt vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn, xứng danh một vùng quê văn hiến Kinh Bắc.