Nên xấu hổ

ANTĐ - Còn ít ngày nữa là đến Tết Giáp Ngọ, những hoạt động sẻ chia với người dân nghèo, người dân vùng thiên tai trở thành một phong trào thiết thực và sâu rộng khắp cả nước. Tại các buổi làm việc, đi thăm địa phương gần đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ngành đều ân cần thăm hỏi, tặng quà người dân nghèo; nhắc nhở các ngành, các cấp chăm lo chu đáo để người dân hưởng một cái Tết ấm cúng, yên lành. 

Ảnh minh họa

Đảng và Chính phủ cũng có những gói cứu trợ kịp thời, thiết thực đến tay người nghèo, người dân vùng thiệt hại do thiên tai trước Tết Âm lịch. Mới đây, theo đề nghị hỗ trợ cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2014 của 15 tỉnh và đề nghị của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chính phủ đã quyết định xuất 20.000 tấn gạo để cứu đói cho người dân. Một điều có ý nghĩa nhân văn, truyền thống sâu sắc chăm lo và hỗ trợ người dân khó khăn có được cái Tết ấm no được thực hiện từ trước tới nay khi mùa xuân về.

Trong danh sách 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp Tết và giáp hạt 2014 có khá nhiều tỉnh chịu thiệt hại của thiên tai năm vừa rồi chịu thiệt hại nặng nề do các đợt thiên tai, bão lũ liên tiếp như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An do khó khăn thật sự. Nhiều vùng ở các địa phương này, đặc biệt là vùng miền núi, nơi có đồng bào các dân tộc ít người sinh sống... phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất do bão, lũ gây ra khiến đời sống của bà con vốn đã gặp khó khăn càng khó khăn thêm. 

Quan điểm chung đã được Thủ tướng chỉ đạo là ưu tiên chăm lo cho người dân đón Tết ấm no, không để cho hộ dân nào đói, không để cho hộ dân nào thiếu ăn trong dịp Tết. Trước khi xin cứu trợ gạo thì tỉnh phải cân đối, sử dụng ngân sách địa phương. Nếu ngân sách địa phương lo đủ thì không xin cứu trợ và cũng không được xét cấp gạo cứu trợ, còn nếu ngân sách địa phương không đảm bảo được thì đề xuất xin cấp gạo từ quỹ dự trữ quốc gia để cứu đói. 

Tuy nhiên, cũng có tỉnh khá về kinh tế nhưng vẫn xin Chính phủ hỗ trợ cấp gạo cứu đói dịp Tết này. Các địa phương này gửi công văn lên Chính phủ xin gạo đã đưa ra nhiều lý do. Khi được hỏi vì sao phải đi xin thì có lãnh đạo cho rằng việc đi xin gạo cũng chỉ vì lo cho dân thôi. Nhưng là lãnh đạo của một tỉnh, để cho dân mình đói đến mức phải đi xin gạo... thì dù có lòng thương dân cũng đáng nên xấu hổ. Lo cho dân bằng cách tạo điều kiện để dân có cơm ăn áo mặc, không phải để cho dân thiếu đói rồi làm công văn đi xin. Chưa nói là khi lật giở báo cáo chỉ thấy toàn một màu hồng thành tích. Thường thì báo cáo của các địa phương rất đẹp với tăng trưởng kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, đời sống người dân từng bước được cải thiện... Có nơi họp hội đồng nhân dân hân hoan công bố thu ngân sách vượt kế hoạch,... nhưng nay lại vẫn cứ gửi đơn xin gạo cứu trợ ?!

 Liên quan đến việc hỗ trợ hộ nghèo, tại phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Mạnh Hùng nhận định các chính sách giảm nghèo khiến người dân bị động “hưởng lợi”, không muốn thoát nghèo, thậm chí phản ứng dữ dội nếu bị ra khỏi diện nghèo. 

Việc trợ cấp gạo cứu đói cho người dân  thể hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhưng việc trợ cấp này cần phải đến đúng đối tượng, tránh việc cấp sai đối tượng như đã xảy ra tại một số địa phương mà báo chí dư luận đã phản ánh. 

Cũng đáng tiếc là lãnh đạo địa phương để dân của mình nghèo, để dân mình khổ, năm nào cũng xin Trung ương, vậy trách nhiệm của họ ở đâu? Điều lạ là chưa thấy có chuyện “cởi áo từ quan” vì để cho dân đói.