Nên từ chức trước khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm

ANTĐ - ĐB Trương Minh Hoàng (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, cán bộ có năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ nên tự từ chức, trước khi bị xem xét, bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nên từ chức trước khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm ảnh 1

- Thưa ông, ông có cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt là cần thiết.

- Tôi lấy ví dụ nhỏ như thế này, nhiều vị ĐBQH phản ánh có tình trạng, danh sách đoàn giám sát gửi xuống địa phương ban đầu khá đông, nhưng thực tế đến khi đoàn có mặt tại địa phương thì chỉ còn lại ít thành viên. Điều này khiến cho địa phương bị “lố” về nhiều mặt: lịch, chương trình đón tiếp, cũng như việc các cử tri luôn muốn phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến đầy đủ các thành viên trong đoàn giám sát. Chính vì thế, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ ràng buộc các ĐBQH là thành viên đoàn giám sát phải tham gia đầy đủ, làm tròn trách nhiệm của mình, bất kể bận việc gì. Liên quan đến việc này, tôi cũng xin đề xuất nâng tầm Ban công tác ĐBQH (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) trở thành một Ủy ban của Quốc hội. Có như vậy việc quản lý, theo dõi hoạt động của từng vị ĐBQH mới được sát sao. 

- Dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 mức tín nhiệm: cao, trung bình, thấp và chưa có ý kiến, nhiều đại biểu cũng băn về các mức này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, mức cuối cùng “chưa có ý kiến” nên thay thế bằng “có ý kiến khác” - ĐBQH là phải thể hiện chính kiến của mình không thể bỏ phiếu trắng. 

- Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, nếu phiếu tín nhiệm thấp thì người giữ chức vụ nên từ chức như một cách giữ thể diện cuối cùng. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Rõ ràng là rất cần, nhưng hiện nay chúng ta chưa có văn hóa từ chức. Dự thảo Nghị quyết quy định, sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm đều thấp thì mới đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tôi cho rằng không nên chờ đến hai lần xem xét, muốn giữ thể diện thì phải thực hiện sớm hơn. Ngay từ mức tín nhiệm lần đầu, nếu thấy thấp thì phải tự rèn luyện, tu dưỡng, kiểm tra xem mình thiếu sót, hạn chế chỗ nào trong đạo đức, hành vi kể cả trong kê khai tài sản cá nhân… mà khắc phục, đừng đợi đến nước cuối cùng mới chịu rời ghế chức vụ. Trong quá trình hoạt động, nếu có một vài ý kiến cá nhân phê phán thì còn có thể nói là chưa chính xác; chứ nếu cả tập thể cùng bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì rõ ràng cần phải tự xem lại. 

- Theo ông, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng văn hóa từ chức?

- Xây dựng văn hóa từ chức ngay lúc này đây cũng chưa muộn. Cần tuyên truyền ngay từ khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, để khi thi tuyển trở thành cán bộ, công chức phải nắm được tinh thần này. Trải qua quá trình công tác, đến khi trở thành người có chức vụ rồi thì càng phải hiểu rõ, nếu thấy việc làm không nổi thì đừng có cố nhận vào.

- Xin cảm ơn ông!