Nên nở nụ cười với nhau

ANTĐ - Chơi với ông đã lâu, thú thật tôi rất phục, mà cố học ông không được, không làm sao giống ông luôn giữ được nụ cười, nét mặt tươi tắn. Có bí quyết gì, ông có thể tiết lộ được không?

- Bí quyết, bí truyền gì đâu! Nở một nụ cười tưởng là đơn giản, ai cũng cười được, nhưng các chuyên gia tâm lý học đã phải dày công nghiên cứu mới tìm ra được.

- Cứ suy từ mình ra, có cố cười, giả vờ cười, miễn cưỡng cười, cũng khó thật, vì trong lòng luôn bực dọc, khó chịu từ nhà bước ra đường. Thế các chuyên gia mà ông nói đã “giải phẫu” nụ cười như thế nào?

- Họ yêu cầu một nửa trong gần số 300 người tình nguyện tham gia thí nghiệm mồm ngậm đũa để tạo ra 3 biểu cảm trên khuôn mặt: nghiêm nghị, cười nhẹ (có hở răng) và cười rộng miệng.

- Thế à, tôi mà được “thí nghiệm” chắc cũng khó nhịn được cười.

- Đây là cuộc nghiên cứu khoa học nghiêm túc chứ không phải làm... trò cười. Họ đã đo nhịp tim và mức độ stress của những người được “chỉ thị” cười khi ngậm đũa.

- Thế kết quả ra sao?

- Những người mỉm cười, nhất là ai cười miệng mở rộng, thoải mái thì có nhịp tim thấp và ít stress hơn nhiều so với những người mặt mũi căng thẳng. Ngay cả những người không được yêu cầu cười cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn trước khi thử nghiệm.

- Thì ở ta, dù chưa nghiên cứu nụ cười nhưng ông bà đã có câu: “Nụ cười bằng mười thang thuốc”. Thôi từ nay tôi cũng cố gắng mỉm cười một vài lần trong ngày.

- Không riêng ông đâu, tôi thấy rất nhiều người hình như “đánh mất” nụ cười từ lâu rồi. Các nhà khoa học khuyên rằng, khi trong nhà trục trặc, công việc vướng mắc, ùn tắc, va chạm trên đường, mỗi người nên nở nụ cười với nhau. Dù cười tự nhiên hay cười gượng cũng tốt cho não, tim mạch, cho mọi người.

- Nói thật, luôn tươi cười là khó lắm đấy. Nhưng từ nay, tôi cũng phải cố... tập cười. Cho quen dần thôi.