Nên mạnh dạn học tập

ANTĐ - Lần đầu tiên trong cả nước, tỉnh Quảng Ninh tổ chức thi tuyển lãnh đạo cho một số sở, ngành thay cho hình thức bổ nhiệm, anh Hoàng Tuấn Anh (ở phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) phấn khởi:

- Đúng là một hình thức mang tính đột phá.

- Đột phá ở những khía cạnh nào?

- Thứ nhất là bỏ qua hình thức bổ nhiệm, “cơ cấu” vốn là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, chạy chức chạy quyền. Thứ hai, hình thức thi tuyển sẽ tạo ra sự công bằng và cao hơn cả là sẽ tuyển dụng được nhân tài, tránh “chảy máu chất xám” vốn đã tồn tại lâu nay trong phương thức phân công lao động.

- Làm sao biết người trúng tuyển sẽ phù hợp với chức danh?

- Người thi sẽ phải trình bày đề án trong bài thi, và trả lời câu hỏi phản biện trong 90 phút của Hội đồng thi, qua đó giám khảo sẽ đánh giá được năng lực, tâm huyết, bản lĩnh và trí tuệ của thí sinh.

- Ngoài năng lực, còn vấn đề “quan điểm chính trị, quá trình phấn đấu” thì đánh giá kiểu gì?

- Quan điểm cũ đã tạo điều kiện cho thói trù dập, bè phái, hạ bệ, làm quan hệ công chức trở nên phức tạp mà quên đi cái quan trọng nhất là tâm huyết và năng lực phải đặt lên hàng đầu. Tôi mừng vì đối tượng tuyển dụng mở rộng, không nhất thiết phải là hành chính sự nghiệp, có thể là người ngoài tỉnh và cả người từng bị kỷ luật, không nặng về bằng cấp.

- Một số địa phương chỉ tuyển công chức tốt nghiệp đại học chính quy, anh nghĩ sao?

- Đó là một sai lầm, tự hạn chế đối tượng tuyển dụng, dễ lọt mất người tài. Tôi nghĩ các địa phương nên học tập mô hình của Quảng Ninh.

Nguyên Vũ (Thực hiện)Nguyên Vũ (Thực hiện)