Nên lùi thời hạn tăng thuế VAT

ANTD.VN - Với đề xuất sửa đổi các luật thuế của Bộ Tài chính, chúng ta cần phải nhìn nhận khách quan. 

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Dự kiến về mặt chính sách, bên cạnh việc tăng thuế VAT, Bộ Tài chính đồng thời kết hợp với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Nếu trong điều kiện doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận thì hai chính sách này không ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí còn tác động tốt với doanh nghiệp. Còn ngược lại, nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận thì sẽ khó khăn. 

Riêng với thuế VAT, đây là loại thuế gián thu, phổ tăng thuế rất rộng, tất cả các mặt hàng nằm trong các nhóm tăng thuế sẽ đều tăng theo. Bộ Tài chính cũng đưa ra nhiều lý do, nhưng những lý do đó theo tôi vẫn cần tiếp tục tính toán. Vì doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang trong giai đoạn bắt đầu đuối sức rồi, cho nên cố gắng không làm tăng thêm chi phí nào. 

Hơn nữa, tăng thuế VAT đồng nghĩa tăng vào giá và nguyên tắc khi giá cả tăng thì người nghèo thiệt. Cơ cấu chi tiêu của người nghèo 80% dành cho hàng hóa thiết yếu. Do vậy, quan điểm của tôi là nên cân nhắc rất kỹ các bậc tăng, nhóm hàng tăng.

Chẳng hạn nên tăng vào các nhóm hàng có tính chất xa xỉ như du lịch, khách sạn, nhà hàng... Còn mặt hàng thiết yếu thì cân nhắc rất kỹ nếu không sẽ gây áp lực cho người nghèo, làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện. Vì hiện nay mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nên tính toán việc tăng diện nộp thuế. Ví dụ khu vực kinh doanh phi chính thức, hiện nay ta có 5,7 triệu hộ kinh doanh, rất nhiều diện đáng ra phải có VAT nhưng hiện đang không chịu bất kỳ loại thuế gì. Nếu mở rộng diện đó ra, khuyến khích người dân yêu cầu hóa đơn VAT thì khối lượng tăng thu thuế sẽ rất lớn. Tất nhiên, việc này là rất khó, nhưng khó cũng phải làm chứ không phải khó thì chọn cái dễ.

Hiệp hội cũng đã có một văn bản góp ý, ngoài việc đề nghị Bộ Tài chính tính toán kỹ bậc tăng, nhóm hàng tăng, chúng tôi cũng góp ý nếu phải tăng thuế VAT như mức Bộ Tài chính dự thảo thì nên lùi thời hạn đến năm 2020 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.