Nên “khan” tiền lẻ

ANTĐ - Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đưa tiền lẻ mới in để phát hành lưu thông trong dịp Tết. Các loại tiền in mới mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng sẽ không phát hành để hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ vào các hoạt động tâm linh, lễ hội, tín ngưỡng. 

Việc không in mới tiền lẻ mệnh giá thấp để phát hành ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán giúp NHNN tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2013, NHNN không đưa tiền mới in mệnh giá 500 đồng để cung cấp ra thị trường trong dịp Tết, giúp tiết kiệm khoảng 94 tỉ đồng cho các khâu in ấn, vận chuyển, chi phí NH thực hiện quy trình. Năm 2014, không in mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng, tiết kiệm khoảng 314 tỉ đồng. Năm 2015, nếu không đưa tiền mới 5.000 đồng thì chi phí tiết kiệm in ấn và công tác vận chuyển sẽ tiết kiệm 171 tỉ đồng. Nếu cộng dồn cả 3 năm thực hiện không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ, NHNN tiết kiệm 1.084 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước. 

Theo NHNN, những năm trước đây, trước dịp Tết Nguyên đán, cơ quan này thường đưa một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông nhưng chỉ một phần nhỏ lượng tiền này được dùng làm phương tiện thanh toán, số còn lại chủ yếu được dùng cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Sau Tết, số tiền này lại được các đền, chùa gửi quay trở lại ngân hàng và rất khó đưa trở lại lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, chi phí cho việc in tiền mệnh giá nhỏ lại tốn kém, điều này gây lãng phí lớn cho đất nước và xã hội. 

Ai cũng biết việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự là rất không hợp lý, gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này. Kéo theo đó là hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội. Thế nên việc không in tiền lẻ đã khiến không ít người đứng ngồi không yên. Đó là những người có thói quen rải tiền lẻ ở đền chùa và những người làm dịch vụ đổi tiền lẻ. Thế mới thấy, “văn hóa tiền giọt dầu” ăn sâu vào quan niệm tâm linh của người Việt Nam thế nào. Tiền lẻ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tâm linh tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Trước đây, đặt tiền “giọt dầu” là nét văn hóa mang ý nghĩa đẹp, như một chút công đức để nhà chùa đèn nhang, hương án, góp phần xây dựng, tu bổ đền, chùa...  Nhưng ngày nay, tiền giọt dầu đã bị biến tướng, trở thành phản cảm. Người đi lễ cầm cả tập tiền lẻ, đi đến đâu rải đến đó, từ gốc cây, giếng nước, ban thờ, rồi nhét cả vào tay, vào mồm Phật với tâm lý càng rải nhiều thì Phật Thánh càng ban nhiều lộc.

Bắt đầu từ ngày 17-10-2014, Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ hoạt động đổi tiền để hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Ngay sau khi có thông tin trên, hoạt động kinh doanh đổi tiền lẻ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) nhộn nhịp và còn rầm rộ hơn cả năm ngoái, tha hồ làm giá khiến giá đổi tiền lẻ tại “chợ đen” cũng tăng đến chóng mặt. Theo giới “ buôn tiền” này thì năm nay tiền ít nên giá cao hơn năm ngoái, thậm chí tăng theo ngày. Vài ngày trước giá mới chỉ có 15 - 30%, nay giá tiền tăng vọt lên tùy loại tiền, mệnh giá tiền và số lượng, nhưng nếu không đổi nhanh, đổi sớm, Tết càng đến gần, phí đổi tiền lẻ càng đắt, kiểu này đến Tết không còn mà đổi. Không chỉ ở các khu vực vốn là các “trung tâm đổi tiền” ở cổng chùa, phủ, đình, lễ hội mà trên các trang mạng, dịch vụ đổi tiền cũng diễn ra công khai. 

Để hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền mệnh giá nhỏ, góp phần khuyến khích người dân tham gia lễ hội gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội thì việc xử lý nghiêm theo đúng quy định của Nghị định 96 là việc cần làm ngay.

P.V