Qua vụ việc thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng):

Nên kéo dài thời hạn giao đất cho nông dân

ANTĐ -Sau vụ việc cưỡng chế thu hồi đất gây chấn động dư luận xảy ra ở Tiên Lãng (Hải Phòng), nhiều người đang lo ngại về việc năm 2013, thời hạn 20 năm quyền sử dụng đất được giao của nhiều nông dân sẽ hết. Điều gì sẽ xảy ra nếu không sửa quy định về thời hạn giao đất trong Luật Đất đai?

Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) còn biết làm gì

trên mảnh đất đã bị phá trụi?

Không có gì phải lo lắng

Ông Nguyễn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT), một trong những người tham gia xây dựng Luật Đất đai 2003 cho biết, người dân không có gì phải lo lắng về thời hạn 2013. Bởi theo quy định tại Luật Đất đai 1993, nếu hết thời hạn giao đất, người được giao tiếp tục có nhu cầu và trong quá trình sử dụng chấp hành đúng pháp luật đất đai thì được giao tiếp. Luật Đất đai 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành có thêm nội dung là “phù hợp với quy hoạch”, tức là đất đó vẫn dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp, thì người dân tiếp tục được giao 20 năm nữa. Ông Nguyễn Khải nói: “Ai đó nói rằng tới năm 2013, Nhà nước sẽ thu hồi lại đất là hoàn toàn sai. Trước đây từng có thông tin tương tự và chúng tôi đã giải thích... Tất nhiên, khi giao lại đất, địa phương sẽ làm thủ tục nhưng sẽ rất đơn giản và không phiền hà gì cho người dân”.

Có cùng cách nhìn, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: “Bản chất là giao lại chứ không phải thu hồi. Việc giao đất đã được tiến hành theo Luật Đất đai năm 1993 là giao 20 năm, đến hạn sẽ giao lại trên tinh thần của hợp đồng giao đất trước đây (“sổ đỏ”). Người nông dân hoàn toàn có thể yên tâm canh tác. Tất cả việc đó nằm trong chương trình quốc gia, đến hạn sẽ phải làm. Hình thức chia lại như thế nào thì đang nghiên cứu. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó mới ra Nghị quyết để thực hiện”.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, khi xây dựng Luật Đất đai 1993, ông có tham gia chấp bút viết tờ trình về thời hạn giao đất cho hộ gia đình và cá nhân. Ông nói: “Tinh thần là hết thời hạn sử dụng đất mà người dân tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, sử dụng đất đúng mục đích thì được tiếp tục giao đất. Không có câu nào nói phải dừng lại, tổng kiểm tra, tổng kiểm kê hay thu hồi hoặc điều chỉnh lại. Lúc đó, năm 1993, với tinh thần đất được giao ổn định lâu dài để các thế hệ tôn tạo đất đó và đất trở thành tài sản không những của Nhà nước, mà của cả người dân để họ yên tâm, có thể kế thừa quyền sử dụng từ đời nọ qua đời kia”.

Để người dân yên tâm sản xuất

Từ vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, dư luận hiện nay có nhiều ý kiến về việc cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phù hợp với thực tiễn của tình hình mới. Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm nên kéo dài thời gian giao đất cho người nông dân để họ có thể yên tâm đầu tư, sản xuất, ông Nguyễn Khải nói: “Trước đây, chúng tôi đã từng đề nghị là nên thống nhất đất nông nghiệp trồng cây hàng năm cũng như lâu năm ở mức 50 năm, chứ không phân ra 2 bậc (20 năm và 50 năm). Phải có thời hạn dài như thế thì người nông dân mới yên tâm đầu tư bởi sản xuất nông nghiệp bây giờ cũng đòi hỏi số vốn khá lớn cho máy móc, công nghệ, thiết bị chứ không chỉ đơn giản là con trâu, cái cày như mấy chục năm trước...”.

Liên quan tới những ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt là các quy định về thời hạn giao đất và hạn điền, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết, các vấn đề đó đang được bàn thảo. Ông nói: “Phải tính tới sự yên tâm của nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên thời hạn giao đất có thể không phải 20 năm, mà lên đến 30 năm đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và có thể nâng lên 70 năm hay 90 năm đối với đất trồng cây lâu năm”.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ cũng đồng tình với quan điểm phải sửa đổi các quy định về hạn điền và thời hạn giao đất. Ông phân tích: “Thời hạn và hạn điền đối với đất sản xuất nông nghiệp, rừng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hộ gia đình, cá nhân chưa thỏa đáng. Với thời hạn 20 năm, động lực suy giảm dần vì người sử dụng đất không yên tâm tập trung đầu tư đất đai, phát triển kinh tế trang trại. Nên bỏ thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp, làm cho xã hội nông thôn phát triển và nông dân khá giả hơn”.

Tin cùng chuyên mục